28/11/2015 - 09:04

Tăng cường tác động của cải cách hành chính tại TP Cần Thơ

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) chuyên nghiệp, phục vụ tổ chức, cá nhân ngày càng tốt hơn, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hợp tác làm ăn là vấn đề luôn được UBND TP Cần Thơ quan tâm, thực hiện trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Dự án "Tăng cường tác động CCHC ở TP Cần Thơ" giai đoạn 2012-2016, do Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tài trợ, đã giúp thành phố hướng đến mục tiêu tăng cường động lực và năng lực làm việc cho đội ngũ CBCCVC, cải thiện hiệu quả cung cấp dịch vụ hành chính công cho tổ chức và cá nhân…

Dự án "Tăng cường tác động CCHC" cũng được triển khai ở Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Tĩnh và Bộ Nội vụ. Mục tiêu chung nhằm hỗ trợ các địa phương trong việc thực hiện các sáng kiến về CCHC và chia sẻ các kết quả để các địa phương khác học tập. Riêng Dự án "Tăng cường tác động CCHC ở TP Cần Thơ" được thành lập trên cơ sở Quyết định số 114/QĐ-UBND ngày 15-1-2013, có tổng vốn đầu tư hơn 29 tỉ đồng, trong đó vốn ODA không hoàn lại là 24 tỉ đồng; còn lại là vốn đối ứng của UBND thành phố. Dự án hướng đến hai mục tiêu cơ bản là: Chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ CBCCVC ở các địa phương được cải thiện một cách căn bản và chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân và tổ chức ở các cấp địa phương qua cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông" được cải thiện căn bản.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND xã Trường Xuân, huyện Thới Lai.

Trước đây, qua thực tiễn hoạt động, thành phố còn gặp một khó khăn khác là ngay cả những CBCCVC trực tiếp làm công tác CCHC nói chung và ở Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả (TN&TKQ) theo cơ chế "Một cửa" nói riêng cũng chưa được bồi dưỡng chuyên sâu về các nội dung CCHC và cách thức thực hiện chúng một cách có hệ thống và chuyên nghiệp. Hơn nữa, cơ chế một cửa, một cửa liên thông chưa hoàn thiện, chất lượng và hiệu quả phục vụ người dân chưa cao. Quy trình, thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực (đầu tư, đất đai, xây dựng) còn phức tạp, gây phiền hà, tốn kém cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức. Dự án sẽ hỗ trợ TP Cần Thơ khắc phục các bất cập trên để một mặt hỗ trợ và hướng dẫn thành phố đi đúng hướng chỉ đạo chung của Chính phủ. Một mặt, kết quả hoạt động của Dự án sẽ tác động trực tiếp việc tăng cường năng lực làm việc cho đội ngũ CBCCVC cải thiện rõ rệt hiệu quả cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân và tổ chức. Mặt khác, Dự án tác động đến kinh tế, môi trường và xã hội đối với ngành, lĩnh vực và địa phương thông qua việc tạo ra các chuyển biến tích cực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; cải cách đội ngũ công chức sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực về môi trường kinh doanh cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt đóng vai trò quyết định trong việc đáp ứng và nâng cao chất lượng các dịch vụ công thông qua cơ chế cung cấp dịch vụ một cửa, một cửa liên thông.

Về cơ bản, Dự án có 04 nhóm sản phẩm chính: Hệ thống quản lý cán bộ, công chức, viên chức trực tuyến được xây dựng, thử nghiệm và hoàn chỉnh để chuyển giao cho địa phương sử dụng; chương trình bồi dưỡng, tập huấn kiến thức và kỹ năng bắt buộc cho CBCCVC theo chức danh và chuyên môn theo hình thức tín chỉ được xây dựng và đưa vào áp dụng; CBCCVC chuyên trách về CCHC được cập nhật và tăng cường kiến thức, kỹ năng chuyên sâu; phần mềm chuyên dùng hỗ trợ hoạt động của Bộ phận TN&TKQ ở cấp huyện được xây dựng, áp dụng thử nghiệm và hoàn chỉnh để chuyển giao cho địa phương sử dụng.

Tính đến nay, Dự án đã hoàn thành 10 cuộc khảo sát về thực trạng đã được tổ chức (đã có báo cáo đánh giá thực trạng được thông qua bởi Hội đồng phản biện và Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của các sở, ngành, quận, huyện có liên quan). Hơn 5.063 lượt CBCCVC đã tham gia vào hơn 90 hội nghị, hội thảo tham vấn về các chủ đề có liên quan của dự án… Huy động hơn 120 lượt chuyên gia tư vấn ngắn hạn tham gia phản biện, góp ý chuyên sâu các sản phẩm chính của Dự án. Đến quý III năm 2015, Dự án đã hoàn thành xong 04 sản phẩm chính là phần mềm quản lý thông tin CBCCVC, Sổ tay hướng dẫn phương pháp xác định Đề án vị trí việc làm, Bộ tài liệu tập huấn chuyên sâu cho CBCCVC chuyên trách cải cách hành chính, Bộ tài liệu tập huấn cho công chức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả. Hiện nay còn lại một sản phẩm là Phần mềm chuyên dùng hỗ trợ hoạt động của Bộ phận TN&TKQ ở cấp huyện được xây dựng, áp dụng thử nghiệm Dự kiến đến quý II năm 2016, Dự án sẽ chuyển giao phần mềm chuyên dùng cho địa phương quản lý và sử dụng.

Theo bà Nguyễn Việt Thùy Uyên, Quản đốc Dự án, yếu tố quan trọng góp phần đạt được những kết quả thành công của dự án là dự án đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của Văn phòng UNDP tại Việt Nam, Bộ Nội vụ, sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố và sự cố gắng, nỗ lực của thành viên Ban quản lý dự án. Các công chức tham gia dự án chủ yếu là làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tuy nhiên với tinh thần trách nhiệm cao, những công chức này luôn cố gắng sắp xếp thời gian làm việc, tranh thủ cả làm ngoài giờ và ngày nghỉ để vừa đảm bảo hoàn thành công việc chuyên môn được giao, vừa thực hiện tốt các hoạt động của Dự án… Bên cạnh những thuận lợi trên, sau thời gian triển khai Dự án, nhiều thành viên của Ban Quản lý Dự án còn gặp khó khăn trong công tác quản lý Dự án ODA. Việc tìm kiếm chuyên gia tư vấn có chất lượng đảm bảo tốt về chuyên môn lẫn kinh nghiệm để hỗ trợ các hoạt động của Dự án cũng gặp khó, bởi không có sẵn nguồn chuyên gia. Ngoài ra, quy trình tổ chức thực hiện các hoạt động đều phải thực hiện theo các bước quy định, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện…

Dự án "Tăng cường tác động của CCHC tại TP Cần Thơ" đã có tác động rõ rệt vào một số khâu then chốt thuộc lĩnh vực công vụ, công chức và cung cấp dịch vụ hành chính công cho tổ chức, người dân. Hướng đột phá của dự án là tăng cường kỹ năng làm việc cho đội ngũ CBCCVC, cải thiện rõ rệt hiệu quả cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân và tổ chức. Sau khi những thử nghiệm quan trọng được xây dựng và đưa vào áp dụng thử để hoàn chỉnh trước khi áp dụng đại trà, chúng sẽ mang lại hiệu quả cho đơn vị thực hiện trong dài hạn. Cụ thể: Hiện tại, Phần mềm quản lý thông tin CBCCVC đã được triển khai, cài đặt và tập huấn cho các sở, ban, ngành, quận, huyện và xã, phường, thị trấn, với 25.583 hồ sơ của CBCCVC được quản lý trên phần mềm. Qua đó, giúp cho cơ quan quản lý có nguồn thông tin dữ liệu hỗ trợ thống kê, báo cáo khi có yêu cầu. Các chế độ bổ nhiệm, bãi nhiệm, đãi ngộ… theo đó cũng được thực hiện chính xác và chuyên nghiệp hơn.

Phần mềm dùng chung sẽ tạo điều kiện để kết nối Bộ phận một cửa cấp huyện với các phòng ban chuyên môn cấp huyện. Các phần mềm được hoàn thiện sẽ góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân và tổ chức ở các cấp địa phương, đó là: giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, loại bỏ một số các công đoạn không cần thiết hoặc trùng lắp do đã chuyển từ hình thức thủ công sang hình thức xử lý trực tiếp trên môi trường mạng nội bộ và mạng Internet, tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân, tổ chức (có thể nộp hồ sơ qua mạng, không cần đến cơ quan hành chính nhà nước)... Đây là những kết quả rất phấn khởi của dự án, khẳng định sản phẩm của dự án đạt hiệu quả và chất lượng cao.

Theo ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, các nỗ lực để thực hiện Dự án này không vì mục đích tự thân của CCHC mà hướng vào việc tạo ra các chuyển biến tích cực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ở địa phương, cbccvc có vai trò quyết định đối với chất lượng và tác động của việc cụ thể hóa, điều chỉnh, bổ sung chính sách pháp luật của Nhà nước cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nơi. Cải cách đội ngũ CBCCVC sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực về môi trường làm ăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Những thay đổi mà Dự án nhắm tới là nhằm tạo sự chuyển biến mang tính bứt phá về chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ CBCCVC ở địa phương thông qua các bước của quá trình từ sử dụng, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho CBCCVC… theo vị trí việc làm, góp phần đưa công tác CCHC ở thành phố ngày một phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu của tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu giao dịch hành chính với cơ quan hành chính Nhà nước.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết