30/07/2021 - 10:35

Hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30-7)

Tăng cường phối hợp phòng, chống mua bán người 

Công an TP Cần Thơ đã phát huy tích cực vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người trên địa bàn. Lực lượng phối hợp chặt chẽ với ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Qua đó, các loại tội phạm, tệ nạn liên quan mua bán người được kiềm chế, góp phần giữ gìn an ninh trật tự cơ sở.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 138 TP Cần Thơ, công tác phòng, chống tội phạm mua bán người đã được các cấp, các ngành quan tâm, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm 2021, thành phố không xảy ra vụ việc liên quan mua bán người. Trước đó, năm 2020, cơ quan chức năng phát hiện 2 vụ môi giới kết hôn với người nước ngoài, chưa phát hiện tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, tội phạm này vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp trên cả nước nói chung và địa bàn Cần Thơ nói riêng.

Công an TP Cần Thơ phối hợp tuyên truyền thủ đoạn tội phạm, tệ nạn, trong đó có tội phạm mua bán người tại Trường Đại học Cần Thơ vào tháng 4-2021.

Ðể nâng cao hiệu quả phòng ngừa, Công an thành phố chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng; phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các hoạt động nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát các địa bàn trọng điểm và làm tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép. Phối hợp duy trì hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) phòng, chống mua bán người, như: Phụ nữ với pháp luật; Phụ nữ xa nhà; Phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng mô hình dân vận khéo “Toàn dân tham gia tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội qua đường dây nóng, phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và mua bán người”.

Ngoài ra, các đơn vị, địa phương phát huy hiệu quả hộp thư tố giác tội phạm, đường dây nóng, hộp thư điện tử trên mạng internet…, tạo thuận lợi cho người dân tham gia tố giác và cung cấp thông tin; kịp thời ra thông báo về phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm liên quan nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng ngừa của người dân. Song song đó, Công an thành phố chú trọng trao đổi thông tin về tình hình tội phạm mua bán người với các cục nghiệp vụ, công an các tỉnh, thành phố và giữa công an các đơn vị, địa phương để thông tin kịp thời các vụ việc, phục vụ tốt công tác điều tra, xác minh, đề ra biện pháp giải quyết. Công an thành phố cùng các ban, ngành chức năng triển khai chương trình, kế hoạch, hoạt động tuyên truyền, trợ giúp nạn nhân bị mua bán trở về địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ nạn nhân khi tiếp nhận để phục vụ công tác điều tra, thu thập chứng cứ, xử lý triệt để theo quy định pháp luật.

Thượng tá Phạm Quốc Anh, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Mặc dù tình trạng mua bán người ở Cần Thơ ít xảy ra nhưng chúng tôi nhận thấy vẫn còn tiềm ẩn nhiều khả năng, tập trung ở những vùng nông thôn. Ðối tượng thường nhắm đến những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết về pháp luật; một số chị em ngại lao động cực khổ nhưng lại muốn hưởng cuộc sống giàu có cũng bị lợi dụng để đưa đi lao động nước ngoài hoặc lấy chồng để đổi đời, giúp đỡ người thân. Ðối với những phụ nữ có trình độ hiểu biết, đối tượng đánh vào điểm yếu là thích mua sắm, du lịch hoặc hưởng thụ để lừa gạt, bán ra nước ngoài. Hiện nay, thủ đoạn các đối tượng rất tinh vi, lợi dụng internet, mạng di động, các trang mạng xã hội giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, môi giới hôn nhân, tổ chức du lịch, chữa bệnh… để tiếp cận, dụ dỗ, lừa người ra nước ngoài. Người dân cần cảnh giác, không để con, em và người thân rơi vào cạm bẫy của bọn môi giới, mua bán người”.

Ðồng hành cùng lực lượng công an, các ban, ngành, đoàn thể cũng có nhiều hoạt động thiết thực trong phòng, chống mua bán người. Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội LHPN thành phố phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an nắm tình hình phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, kịp thời tư vấn, tuyên truyền, không để đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi đưa phụ nữ ra nước ngoài bán. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ phối hợp thành lập thí điểm “Mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về” tại xã Thạnh Phú (huyện Cờ Ðỏ) là địa bàn có nhiều nạn nhân bị mua bán trở về. Sở phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ nạn nhân, tạo điều kiện giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Hội LHPN thành phố duy trì và nâng chất 529 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 7 mô hình “Khu vực địa điểm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, tạo điều kiện giúp đỡ hội viên vay vốn, học nghề, giới thiệu việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, hạn chế tình trạng phụ nữ bỏ đi làm ăn xa dễ mắc vào các tệ nạn xã hội hoặc bị lừa bán. Trong 6 tháng năm 2021, Hội phối hợp với tổ chức Kocun Cần Thơ (Trung tâm Việt - Hàn chung tay chăm sóc) thực hiện chương trình giáo dục định hướng cho cô dâu Việt Nam trước khi di cư sang Hàn Quốc. Ðã tổ chức được 5 lớp với 52 học viên, trang bị kiến thức cho các cô dâu khi về sinh sống, làm dâu tại Hàn Quốc và nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ mình để không trở thành nạn nhân của mua bán người thông qua hôn nhân.

Hiện nay, Công an TP Cần Thơ đang thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người (từ 1-7-2021 đến 30-9-2021). Theo chỉ đạo của Giám đốc Công an thành phố, lực lượng chủ động nắm tình hình, không để diễn biến phức tạp, hình thành các tổ chức, đường dây mua bán người trong và ngoài nước, nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá án, đảm bảo 100% tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan mua bán người được tiếp nhận, giải quyết đúng quy định… Tin rằng, với nỗ lực của cán bộ chiến sĩ và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, sự ủng hộ của người dân, tội phạm liên quan mua bán người trên địa bàn tiếp tục được đẩy lùi, góp phần đảm bảo an ninh trật tự cơ sở.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết