08/11/2016 - 20:30

Tăng cholesterol trong máu và những điều cần biết

Tăng cholesterol trong máu hay còn gọi là tăng mỡ máu, rối loạn mỡ trong máu làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và gây ra nhiều lo lắng cho người bệnh. Nhằm cung cấp những thông tin cần biết về cholesterol cũng như lời khuyên bổ ích về chế độ ăn, tập luyện cho bệnh nhân tăng cholesterol trong máu, bác sĩ CKII Phạm Thị Kim Hoa, Phó đơn vị Tim mạch Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ Cửu Long có vài chia sẻ với bạn đọc Báo Cần Thơ xoay quanh chủ đề này.

* Cholesterol là gì và đến từ đâu?

Cholesterol không phải là chất hoàn toàn gây hại cho cơ thể. Cholesterol là thành phần quan trọng của màng tế bào, chất cần thiết để tạo ra vitamin D, các hormon giúp cơ thể sống và trưởng thành. Ngoài ra, gan còn dùng cholesterol sản xuất axit mật giúp con người tiêu hóa thức ăn. Cholesterol là chất béo mềm, màu vàng nhạt được đưa vào cơ thể qua việc ăn uống các chất mỡ động vật và cơ thể tự tổng hợp nhờ gan, ruột, tuyến thượng thận, cơ quan sinh sản. Hằng ngày gan tổng hợp khoảng 1.000mg và thức ăn cung cấp khoảng 300mg cholesterol. Sự di chuyển cholesterol trong cơ thể có tính chất tuần hoàn, được bài tiết ở gan qua mật đến cơ quan tiêu hóa. Khoảng 50% lượng cholesterol bài tiết được tái hấp thu ở ruột non vào hệ tuần hoàn.

Cholesterol vận chuyển được trong máu nhờ gắn với protein được gọi là lipoprotein. Có 2 dạng chính LDL (low density lipoprotein) và HDL (high density lipoprotein). LDL cholesterol thông thường là cholesterol xấu bởi dễ hình thành nên các mảng xơ vữa gây hẹp mạch máu. Ngược lại, HDL cholesterol là cholesterol tốt bởi có tác dụng vận chuyển LDL cholesterol dư thừa ở các mô về gan, giảm nguy cơ hẹp mạch máu do xơ vữa.

* Khi nào nên đi xét nghiệm cholesterol máu?

- Với những người có nguy cơ bệnh mạch vành như: tiểu đường; cha mẹ hay anh chị em ruột bị bệnh tim mạch sớm; hút thuốc lá; tăng huyết áp, tiền sử gia đình có tăng cholesterol máu, béo phì, ít vận động, nên đi xét nghiệm từ năm 20 tuổi.

- Đối với người bình thường, việc xét nghiệm cholesterol máu được thực hiện từ năm 35 tuổi đối với nam và từ 45 tuổi đối với nữ.

- Xét nghiệm mức cholesterol toàn phần và HDL cholesterol có thể lấy máu bất kỳ thời điểm nào trong ngày nhưng xét nghiệm LDL cholesterol cần nhịn đói 12-14 giờ.

- Cần dựa vào nguy cơ bệnh mạch vành và kết quả xét nghiệm để quyết định điều trị.

 Chế độ ăn uống với nhiều rau xanh, trái cây, giảm thịt mỡ động vật sẽ tốt cho sức khỏe. Nguồn: Internet

- Nếu kết quả bình thường và không có nguy cơ bệnh mạch vành thì xét nghiệm lại mỗi 5 năm. Người có nguy cơ cao phải xét nghiệm lại mỗi năm 1 lần, nếu đang điều trị cần xét nghiệm lại sớm hơn.

* Ai dễ bị ảnh hưởng mức cao cholesterol máu?

Sự gia tăng cholesterol xấu trong máu ảnh hưởng nhiều người. Người nhiều yếu tố nguy cơ càng dễ mắc bệnh hơn. Các yếu tố nguy cơ: gen và di truyền (có cha mẹ, anh chị em bị tăng cholesterol máu); chế độ ăn nhiều mỡ và lối sống ít vận động; béo phì; tuổi già; hút thuốc; bệnh nội khoa (đái tháo đường, tăng huyết áp, suy giáp)...

Mức cholesterol xấu cao cùng với các yếu tố nguy cơ cao cho tim mạch như: hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch sớm.

* Hậu quả của cholesterol máu cao và triệu chứng

Cholesterol máu cao sẽ hình thành mảng xơ vữa trong lòng mạch gây hẹp dần lòng mạch dẫn đến:

- Đau ngực: Do thiếu máu vì hẹp 1 hay nhiều nhánh mạch vành nuôi tim.

- Nhồi máu cơ tim: Hoại tử cơ tim do tắc 1 nhánh mạch vành.

- Đột quị: Tắc mạch máu vùng cổ hay trên não.

- Đau chân khi đi: Dấu khập khiễng cách hồi do hẹp mạch máu chân, nặng có thể hoại tử phải cắt cụt chân.

* Làm thế nào để điều trị tăng cholesterol máu?

Trước hết là thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn: Giảm ăn mỡ bão hòa có nhiều trong bơ, mỡ heo, xúc xích, hamburger, thịt heo xông khói, thịt nướng, thịt chiên, phủ tạng động vật, kem, pho mát, sữa nguyên kem, lòng đỏ trứng, bánh ngọt… Nên ăn thay thế bằng mỡ không bão hòa có trong dầu hướng dương, dầu oliu, các loại hạt, cá hồi, cá trích; ăn nhiều rau xanh, trái cây kết hợp tập vận động thể lực có nhịp điệu như: bơi lội, đi bộ, đạp xe mỗi ngày 45 phút, tất cả ngày trong tuần. Ngưng hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia. Và sử dụng thuốc điều trị theo đơn của bác sĩ khi có chỉ định.

THU SƯƠNG (lược ghi)

Chia sẻ bài viết