02/10/2024 - 18:10

Tân Thủ tướng Nhật ưu tiên thúc đẩy quốc phòng và kinh tế 

Cam kết thúc đẩy hơn nữa quan hệ quốc phòng với Mỹ, tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba mặt khác đề nghị xây dựng liên minh “công bằng hơn” như một phần trong nỗ lực lấy lại niềm tin của công chúng trước cuộc bầu cử sắp tới.

Tân Thủ tướng Ishiba (giữa, hàng đầu) cùng các bộ trưởng. Ảnh: Japan Today

Ngày 1-10, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba trở thành thủ tướng, thay thế ông Fumio Kishida không tái tranh cử sau loạt vụ bê bối gây quỹ của chính phủ. Trong nỗ lực hàn gắn chia rẽ trong đảng Dân chủ Tự do (LPD) cầm quyền và đảm bảo nhiệm vụ quốc gia, ông Ishiba công bố nội các mới tập trung vào quốc phòng với phần lớn thành viên không liên kết với phe phái do những nhân vật chủ chốt của LDP kiểm soát.

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Ishiba nói về nhu cầu tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ quốc gia sau các vụ xâm phạm lãnh thổ gần đây của tàu quân sự Trung Quốc, Nga. Tại cuộc họp báo ngày 2-10, tân Thủ tướng tiếp tục lên tiếng về việc chính phủ mới sẽ mở rộng chính sách quốc phòng và ngoại giao dưới thời người tiền nhiệm; đồng thời củng cố mạng lưới an ninh với Hàn Quốc và những quốc gia có cùng chí hướng. Mục tiêu là bảo vệ Nhật Bản trước môi trường an ninh “khắc nghiệt” hơn bao giờ hết kể từ khi Thế chiến thứ 2 kết thúc.

Trước đó, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, lãnh đạo mới của Nhật Bản đã chia sẻ với Washington về các kế hoạch hợp tác quốc phòng và công nghệ song phương trong quan hệ được nâng cấp đáng kể dưới thời Thủ tướng Kishida. Cả 2 chia sẻ tầm nhìn xây dựng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “tự do và rộng mở” giữa thời điểm Trung Quốc ngày càng quyết đoán làm dấy lên lo ngại về an ninh khu vực. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Ishiba nhấn mạnh nhu cầu của khu vực về một khuôn khổ an ninh tập thể tương tự như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Ishiba gây chú ý khi đề cập đề xuất đổi mới nhằm xây dựng liên minh an ninh Mỹ - Nhật bình đẳng hơn, bao gồm quản lý chung các căn cứ của Lầu Năm Góc tại Nhật Bản và khả năng lập căn cứ của nước này tại Mỹ. Điều đó đòi hỏi thay đổi thỏa thuận lực lượng song phương lâu đời, nhưng sẽ là cần thiết đối với liên minh mà theo ông Kishida là “bất đối xứng” hiện nay. Tuy vậy, Thủ tướng Ishiba chưa đề cập ý tưởng trên với Mỹ và ông cũng không giao vấn đề này cho nội các mới như nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện. Thay vào đó, cam kết cải cách chính trị, giải quyết tình trạng kinh tế trì trệ, dập tắt cơn giận dữ âm ỉ trong nước cũng như câu đố về kế hoạch của chính phủ để trang trải chi phí xây dựng quốc phòng trị giá gần 300 tỉ USD vào năm 2027 khi đồng yen đang yếu là một trong những nhiệm vụ lớn hàng đầu của tân Thủ tướng. “Tôi muốn nội các này là nội các tin tưởng vào người dân và được người dân tin tưởng” - ông Ishiba nói.

Hướng tới mục tiêu trên, ông Ishiba cam kết hỗ trợ những người đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt tăng cao thông qua các khoản bồi thường tiềm năng, tăng lương tối thiểu và phục hồi khu vực. Trong hành động cân bằng nhằm xoa dịu lo ngại về chiến lược kinh tế của nội các mới, Thủ tướng Ishiba giữ lại quan chức thân cận hàng đầu của cựu Thủ tướng Kishida, ông Yoshimasa Hayashi khi chỉ định nhân vật này làm Chánh Văn phòng Nội các trong khi đối thủ Katsunobu Kato làm Bộ trưởng Tài chính.

Trước đây, ông Ishiba liên tục kêu gọi xem xét lại chính sách kinh tế của cố Thủ tướng Shinzo Abe nên việc bổ nhiệm người ủng hộ mạnh mẽ “Abenomics” như ông Kato khá bất ngờ. Khi vận động giành quyền lãnh đạo LDP, ông Kato tuyên bố sẽ kế nhiệm Abenomics để giúp tăng gấp đôi thu nhập của các hộ gia đình. Ông cũng kêu gọi biên soạn gói kích thích kinh tế để tài trợ cho chi tiêu nhằm thúc đẩy đầu tư trong nước và phục hồi nền kinh tế khu vực.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AP)

 

Chia sẻ bài viết