23/12/2020 - 10:38

Tầm quan trọng việc cân bằng chất điện giải trong cơ thể 

Các chất điện giải (electrolyte) là các khoáng chất mang điện tích tìm thấy trong máu và đóng vai trò rất quan trọng với cơ thể, bao gồm điều hòa chức năng của hệ tim mạch, hệ thần kinh và hệ cơ xương khớp. Theo các chuyên gia, sự kết hợp của các chất điện giải (cùng các khoáng chất khác) ở trạng thái cân bằng sẽ mang lại lợi ích sức khỏe tối ưu. Trái lại, mất cân bằng điện giải sẽ ít nhiều gây hại cho cơ thể.

Rau quả tươi là nguồn cung an toàn chất điện giải. Ảnh: Justrunlah.com

Rau quả tươi là nguồn cung an toàn chất điện giải. Ảnh: Justrunlah.com

Chức năng của chất điện giải

Mỗi chất điện giải có một tác động nhất định tới các quá trình sinh học trong cơ thể. Chẳng hạn, kali có tác dụng bình ổn huyết áp, xây dựng lại các cơ bằng cách tổng hợp prôtêin từ axít amin và kiểm soát hoạt động hấp thụ đường trong máu. Natri điều chỉnh và kiểm soát tình trạng cân bằng chất dẫn lưu trong cơ thể. Magiê điều chỉnh lượng đường huyết, tổng hợp chất béo, đồng thời giữ cho hệ miễn dịch luôn khỏe mạnh. Chất điện giải được cơ thể sử dụng nhiều nhất này cũng “góp mặt” trong hơn 300 phản ứng sinh học. 

Mặc dù các chất điện giải và khoáng chất đều hoạt động độc lập, nhưng chúng phụ thuộc lẫn nhau để mang lại hiệu quả kiểm soát các chức năng cơ thể. Chẳng hạn, natri và canxi điều chỉnh sự co thắt của dây thần kinh, các cơ và tạo ra xung điện cho nhịp tim, còn kali và magie giúp thư giãn tim, hệ thần kinh, mạch máu và cơ.

Những mối nguy vì rối loạn điện giải

Tuy có vai trò quan trọng như thế với cơ thể, nhưng chất điện giải cũng có thể “gây họa” cho sức khỏe nếu có hàm lượng dư thừa trong cơ thể. Ví dụ, quá nhiều natri (thường gọi là chứng tăng natri máu) dễ gây chóng mặt, nôn mửa và tiêu chảy. Quá nhiều kali sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận, gây rối loạn nhịp tim, buồn nôn và mạch không đều. Quá nhiều canxi dẫn đến mệt mỏi, hôn mê, co giật và đau xương khớp. Quá nhiều magiê gây yếu cơ, buồn nôn, chóng mặt, lơ mơ, rối loạn nhịp tim, thậm chí gây tổn thương cơ và thần kinh.

Không chỉ vậy, tình trạng mất cân bằng chất điện giải còn là “thủ phạm” dẫn tới bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim, rối loạn hệ thần kinh và các vấn đề về cơ xương khớp, do cơ thể không còn hoạt động hiệu quả. Như trong trường hợp nồng độ kali thấp và nồng độ natri cao, tình trạng này có thể phá vỡ các điện tích, gây căng cơ, chuột rút, tim đập nhanh hoặc loạn nhịp - một lý do làm tăng huyết áp.

Tương tự, mất cân bằng nồng độ magiê và canxi cũng là một mối nguy với sức khỏe. Do năng lực hấp thụ canxi của cơ thể phụ thuộc vào magiê, nên nếu nồng độ magiê không đủ, cơ thể cũng không thể tiếp nhận đủ canxi. Trong khi đó, lượng canxi dư thừa và trôi nổi trong cơ thể dễ khiến xương bị vôi hóa, hình thành mảng bám trong động mạch (bệnh xơ vữa động mạch) và sỏi thận.

Cân bằng nồng độ chất điện giải bằng chế độ ăn

Thay đổi chế độ ăn uống hằng ngày trong giai đoạn xuất hiện triệu chứng mất cân bằng điện giải là phương pháp hữu hiệu giúp đảo ngược tình thế. Việc bổ sung kali, magiê và canxi từ thực phẩm toàn phần (whole food) - tức chưa qua chế biến - như rau củ và trái cây tươi không gây tác dụng phụ như khi dùng thuốc bổ sung. Ngoài ra, bổ sung chất điện giải từ nguồn thực phẩm cũng giúp tránh nguy cơ dung nạp quá nhiều chất này. Ðược biết, tình trạng tăng nhanh chất điện giải, như khi chúng ta dùng thuốc bổ sung, cũng không tốt cho thận.

Và thay vì tiêu thụ các thức uống thể thao để tăng nồng độ chất điện giải, bạn nên dùng các loại thức uống từ trái cây và rau củ tươi, vốn giàu chất điện giải nhưng ít đường hơn và có lợi hơn cho sức khỏe. Tốt hơn hết là chúng ta nên xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng dưỡng chất để vừa bảo đảm năng lượng hoạt động cho cơ thể, vừa nâng cao sức khỏe tâm thần.l 

AN NHIÊN (Theo Stack.com)

Chia sẻ bài viết