16/09/2011 - 14:42

Tầm quan trọng của việc khám phụ khoa định kỳ

Cán bộ y tế tư vấn cho các chị đến kiểm tra sức khỏe sinh sản định kỳ tại Hội Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ. Ảnh: HỒNG VÂN

Do tâm lý ngại ngùng, nhiều phụ nữ không chủ động đi khám phụ khoa định kỳ. Đến khi phát hiện các dấu hiệu, triệu chứng bất thường mới đến cơ sở y tế kiểm tra thì bệnh đã tiến triển nặng, gây khó khăn trong việc điều trị. Để giúp chị em có thêm những thông tin cần thiết về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ, Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ cung cấp cho chúng ta những thông tin như sau:

Phụ nữ là những người trực tiếp thực hiện chức năng sinh sản nên bộ phận sinh dục thường có nguy cơ mắc bệnh hơn nam giới, trước hết là các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản. Tác nhân gây viêm nhiễm đường sinh sản là do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng. Do cấu tạo đặc biệt của cơ quan sinh dục nữ nên việc viêm nhiễm âm hộ - âm đạo là bệnh lý thường gặp ở chị em phụ nữ mọi lứa tuổi. Điều kiện thuận lợi gây viêm nhiễm đường sinh sản là do chị em đang sống trong môi trường ô nhiễm, ở khu vực nông thôn không đủ nước sạch sinh hoạt, thường xuyên lao động đồng áng, ít có điều kiện chăm sóc và giữ vệ sinh đường sinh sản như rửa bằng nước sạch và lau khô âm hộ mỗi khi đi tiêu, tiểu, nhất là trong những ngày hành kinh... Triệu chứng chủ yếu để nhận biết nhiễm khuẩn âm hộ - âm đạo là ra huyết trắng nhiều, có mùi hôi... tạo cảm giác ngứa ngái, nóng rát ở bộ phận sinh dục và có thể kèm theo sự đau đớn khi giao hợp. Mặc dù bệnh không gây tử vong tức thời nhưng gây xáo trộn sinh hoạt cá nhân, ảnh hưởng đến tâm sinh lý người bệnh, khó khăn trong việc chấp nhận quan hệ tình dục giữa vợ chồng, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến tình trạng bệnh diễn biến kinh niên, để lại những di chứng như hẹp, tắc vòi trứng, gây vô sinh, thai ngoài tử cung, ung thư đường sinh sản...

Nhiều phụ nữ cho rằng việc khám phụ khoa định kỳ rất tốn thời gian, tiền bạc và gây đau đớn. Đây là hiểu biết sai lầm. Trên thực tế, việc khám phụ khoa rất đơn giản, không gây đau và rất có hiệu quả trong việc phát hiện các dấu hiệu bệnh lý. Qua việc khám phụ khoa, chị em sẽ được kiểm tra phát hiện bệnh ở cơ quan sinh dục ngoài (âm hộ, âm đạo, cổ tử cung), và làm các xét nghiệm chuyên khoa như phết tế bào âm đạo để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Nếu khám phụ khoa được kết hợp siêu âm sẽ phát hiện các dấu hiệu bệnh lý cơ quan sinh dục trong (tử cung, vòi trứng và buồng trứng) như phát hiện các khối u buồng trứng, u xơ tử cung, các dị dạng đường sinh dục... có thể ảnh hưởng đến khả năng có thai... Song song đó, khi đi khám phụ khoa định kỳ, chị em còn được tư vấn về sức khỏe sinh sản, cách giữ vệ sinh đường sinh sản, tư vấn lựa chọn biện pháp tránh thai hiệu quả, cách phát hiện sớm các khối u ở vú... để có phương hướng điều trị thích hợp. Ngoài ra, đối với những chị em từ 40 tuổi trở lên còn được tư vấn để dự phòng và xử lý các rối loạn thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Do đó, phụ nữ, nhất là chị em đã có gia đình nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần, đồng thời kết hợp phết tế bào âm đạo để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, nếu cần có thể siêu âm để phát hiện các dấu hiệu bệnh lý đường sinh sản như đã nói trên.

Bên cạnh việc thường xuyên đi khám phụ khoa định kỳ, phụ nữ cần lưu ý các biện pháp phòng tránh viêm nhiễm cơ quan sinh sản như rửa sạch âm hộ mỗi ngày bằng thuốc rửa phụ khoa; sau mỗi lần tiêu, tiểu nên rửa lại bằng nước sạch và nên dùng khăn sạch lau khô trước khi mặc quần lót (ưu tiên loại quần lót bằng vải không màu). Khi sử dụng các loại dung dịch vệ sinh, cần lựa chọn sản phẩm phù hợp và không sử dụng hóa chất sát khuẩn mạnh. Môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn và nấm phát triển, gây viêm nhiễm nên chị em cần lưu ý phơi đồ lót dưới ánh nắng mặt trời, nếu không thì nên ủi đồ lót trước khi mặc.

HỒNG VÂN (ghi)

Chia sẻ bài viết