17/08/2022 - 08:18

Taliban tìm kiếm tương lai với Trung Quốc, Nga 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Phong trào Taliban vừa trải qua một năm nắm quyền kiểm soát Afghanistan nhưng họ còn nhiều việc cần làm để vực dậy nền kinh tế, giải quyết khủng hoảng nhân đạo hết sức nghiêm trọng và đặc biệt là tìm kiếm sự ủng hộ từ bên ngoài dành cho “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan”.

Taliban hôm 15-8 tổ chức ăn mừng một năm nắm quyền kiểm soát Afghanistan. Ảnh: Reuters

Bất chấp những lời kêu gọi và nỗ lực lặp đi lặp lại của các nhà lãnh đạo Taliban, không có quốc gia nào trên thế giới công nhận Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (IEA) được Taliban tuyên bố thành lập 4 ngày sau khi lực lượng này chiếm được thủ đô Kabul. Ðể IEA được công nhận, phương Tây yêu cầu Taliban dỡ bỏ các hạn chế đối với phụ nữ.

Song, Taliban trong một tuyên bố tố Mỹ vi phạm Thỏa thuận Doha 2020 khi không công nhận chính quyền của lực lượng này. Về phần mình, phương Tây thì cáo buộc Taliban không tuân thủ Thỏa thuận Doha, trong đó Taliban cam kết không để lãnh thổ Afghanistan trở thành nơi lên kế hoạch tấn công khủng bố, sau khi thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri hồi tháng trước bị tiêu diệt trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ngay tại thủ đô Kabul. Vụ việc càng khiến cho Washington mất lòng tin vào Taliban và phương Tây được cho có thể sẽ đưa ra lập trường cứng rắn hơn.

Trái lại, một số nước láng giềng của Afghanistan, gồm Trung Quốc, Pakistan và Iran cùng với Malaysia, Qatar, Saudi Arabia, Nga và Turkmenistan đã chấp nhận các nhà ngoại giao do Taliban chỉ định. “Sự thù địch đối với nhánh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo tại Afghanistan (ISIS-K) giúp giải thích vì sao Nga và Trung Quốc lại tiếp cận với Taliban trong những năm trước khi họ kiểm soát Kabul vào tháng 8 năm ngoái. Những liên kết này thường đi kèm với các loại hỗ trợ về mặt tài chính mà Taliban cần khẩn cấp. Một điều cần nhớ là Nga không cho không biếu không ai bao giờ, trong khi Trung Quốc thì luôn cực kỳ thận trọng đối với hình thức hỗ trợ này” - Anatol Lieven, chuyên gia cấp cao về Nga và châu Âu tại Viện Nghiên cứu lập pháp có trách nhiệm Quincy, nói với tờ Al Jazeera.

Hiện Trung Quốc được cho đang theo đuổi 2 mục tiêu chính thông qua việc tiếp cận Taliban. Một là, Bắc Kinh muốn Taliban đảm bảo rằng lực lượng này sẽ giúp cắt giảm các mối đe dọa do các nhóm cực đoan hoạt động gần biên giới Trung Quốc gây ra. Ðặc biệt, Trung Quốc muốn Taliban ngăn chặn Phong trào Hồi giáo Ðông Turkestan, nhóm chiến binh tộc Duy Ngô Nhĩ hoạt động ở Afghanistan, mở rộng và thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lợi ích của Trung Quốc tại khu vực. Hai là, Bắc Kinh muốn bảo vệ các khoản đầu tư mà họ đã thực hiện ở Afghanistan cũng như các kế hoạch thông qua những chương trình như sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Do bất ổn chính trị, các kế hoạch nhằm khai thác và phát triển các mỏ đồng, dầu mỏ của các công ty Trung Quốc tại Afghanistan đã bị hoãn lại trong hơn một thập niên qua. Khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Trung Quốc hy vọng Taliban sớm ổn định đất nước để Bắc Kinh có thể tiếp tục triển khai các dự án này.

Sau khi trở lại nắm quyền vào tháng 8-2021, Taliban cũng tìm cách xích lại gần hơn với Nga và Mát-xcơ-va cũng gửi đi tín hiệu sẵn sàng đón nhận thiện chí này. Nga hồi tháng 10 năm ngoái đã mời Taliban đến Mát-xcơ-va để tham gia hội nghị quốc tế về Afghanistan cùng với các đại diện của Trung Quốc, Ấn Ðộ, Iran, Pakistan và các nước Trung Á. Mặc dù các cuộc thảo luận không tạo ra bất cứ thỏa thuận đột phá nào, nhưng Taliban vẫn coi đây là một thành công về mặt ngoại giao. Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn RIA Novosti hồi tháng 9 năm ngoái, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid hối thúc Nga trở thành “nhà trung gian hòa giải mới” giữa lực lượng này và Liên Hiệp Quốc, đồng thời mời gọi các công ty của Nga tham gia những dự án kinh tế mới tại Afghanistan. 

Chia sẻ bài viết