06/01/2022 - 08:30

Tại sao Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân? 

HẠNH NGUYÊN

Theo tờ Business Insider, Bắc Kinh đã thay đổi đáng kể suy nghĩ về vũ khí hạt nhân trong những năm gần đây và đang nhanh chóng mở rộng kho
vũ khí này.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 xuất hiện trong cuộc duyệt binh ở thủ đô Bắc Kinh hồi năm 2019. Ảnh: Xinhua

Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 11-2021 công bố báo cáo thường niên về “Những bước phát triển quân sự, an ninh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Tài liệu cho rằng Trung Quốc đang gia tăng số vũ khí hạt nhân với tốc độ nhanh hơn dự báo, thu hẹp cách biệt với Mỹ. Theo đó, quốc gia châu Á này có thể có 700 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027 và lên đến 1.000 vào năm 2030, nhiều hơn gấp 2,5 lần so với dự đoán trước đây của Lầu Năm Góc.

Mặc dù quy mô kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc thua xa Mỹ, nhưng bước phát triển của Bắc Kinh đang khiến Washington lo ngại. Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc hiện có không tới 200 đầu đạn hạt nhân, có tài liệu nói là 350 đầu đạn. Trong khi đó, Mỹ sở hữu 5.550 đầu đạn, Nga là 6.255 đầu đạn. Con số này của Anh, Pháp, Ấn Ðộ và Pakistan lần lượt là 225, 290, 156 và 165. Israel và CHDCND Triều Tiên được cho là có từ hàng chục đến vài trăm đầu đạn hạt nhân.

Báo cáo của Lầu Năm Góc còn nói Trung Quốc đang phát triển “các lò phản ứng tái sinh nhanh và cơ sở tái xử lý” giúp tăng năng lực sản xuất plutonium nhằm hỗ trợ cho nỗ lực nâng cấp kho vũ khí hạt nhân. Nước này cũng đang mở rộng và hiện đại hóa bộ ba hạt nhân, gồm tên lửa hạt nhân phóng từ đất liền, tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân và máy bay chiến lược có khả năng mang bom, tên lửa hạt nhân.

Ngoài ra, Trung Quốc còn xây dựng ngày càng nhiều hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tăng quy mô kho ICBM, hiện có khoảng 100 tên lửa. Nhiều hãng tin Mỹ cho rằng Trung Quốc đang xây tới 119 hầm chứa gần thành phố Ngọc Môn thuộc tỉnh Cam Túc, 110 hầm ở Tân Cương và hơn 100 hầm ở vùng sa mạc phía Tây. Giới chuyên gia phỏng đoán cả 3 địa điểm này có thể chứa từ 350 đến 400 quả tên lửa hạt nhân tầm xa. Trung Quốc năm 2020 từng phóng thử trên 250 tên lửa đạn đạo, nhiều hơn số lần phóng của năm 2019 và 2018 cộng lại.

Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc được bổ sung thêm các tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân Type 094. Ðể tên lửa đạn đạo có thể vươn tới Mỹ, các tàu này cần hoạt động gần quần đảo Hawaii. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc tiết lộ Bắc Kinh đang phát triển tàu ngầm mới hơn mang tên Type 096 để mang tên lửa mới JL-3 có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ từ các vùng biển của Trung Quốc. Tàu ngầm Type 096 có thể trang bị đến 24 tên lửa JL-3, với mỗi quả mang được nhiều đầu đạn gồm cả đầu đạn hạt nhân.

Không lực Trung Quốc thì tiếp nhận H-6N, phiên bản mới nhất của dòng máy bay ném bom chiến lược H-6 do nước này sản xuất. H-6N ra mắt lần đầu tại cuộc duyệt binh ở thủ đô Bắc Kinh vào tháng 10-2019, có thể tiếp nhiên liệu trên không, mang tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu vượt âm.

Ý đồ của Bắc Kinh

Theo chuyên gia nghiên cứu cấp cao Timothy R.Heath (thuộc Tổ chức RAND, Mỹ), mục đích hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc là đạt tới sự cân bằng và nhằm răn đe Mỹ. Bắc Kinh lo ngại Washington với số vũ khí hạt nhân nhiều hơn và bộ ba hạt nhân uy lực có thể tấn công phủ đầu vào kho vũ khí hạt nhân cũng như năng lực phóng vũ khí hạt nhân, khiến Trung Quốc không còn khả năng phòng thủ tương xứng. Ðiều này dẫn tới việc Trung Quốc muốn có thêm nhiều vũ khí, hệ thống phóng để đủ sức vượt qua cuộc tấn công và đáp trả Mỹ.

Phía Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán về thỏa thuận kiểm soát vũ khí, tương tự như các thỏa thuận giữa Mỹ và Nga. Tuy nhiên, Bắc Kinh không mặn mà, viện lý do Washington có kho vũ khí lớn hơn và thiếu chính sách “không sử dụng trước” vũ khí
hạt nhân.

Chia sẻ bài viết