24/05/2023 - 21:40

Tại sao Tổng thống Ukraine được mời dự thượng đỉnh AL? 

HẠNH NGUYÊN

Với tư cách khách mời, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) diễn ra ở thành phố cảng Jeddah của Saudi Arabia tuần rồi. Trong khi ông Zelensky tận dụng cơ hội để tìm thêm sự ủng hộ ngoài các đồng minh phương Tây, Saudi Arabia có lý do để mời vị này tới dự sự kiện.

Tổng thống Ukraine Zelensky (giữa) đến Saudi Arabia dự Hội nghị thượng đỉnh AL hôm 19-5. Ảnh: Reuters

Trong bài phát biểu trước AL, ông Zelensky đã cáo buộc một số thành viên của liên đoàn “làm ngơ” trước hành động của Nga tại Ukraine, đồng thời thể hiện niềm tin rằng “tất cả chúng ta có thể đoàn kết để bảo vệ người dân”. Giới bình luận Arab ấn tượng với những phát biểu của Tổng thống Ukraine, đặc biệt là khi ông kêu gọi các nước Arab “đánh giá lại quan hệ với Nga”.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cách đây 15 tháng, Kiev chưa giành được sự ủng hộ đáng kể từ các quốc gia Arab, nơi chủ yếu vẫn giữ quan điểm trung lập. Saudi Arabia và những nước sản xuất dầu mỏ khác tại vùng Vịnh vẫn duy trì quan hệ nồng ấm với Ðiện Kremlin. Mặt khác, những nước này trong nhiều năm qua cũng duy trì các mối quan hệ quan trọng với Ukraine trên nhiều lĩnh vực, bao gồm nhập khẩu lúa mì, năng lượng, giao dịch phi dầu mỏ và du lịch. Năm nay, Saudi Arabia đã công bố khoản viện trợ 400 triệu USD cho Ukraine.

Mặc dù phần lớn các chính phủ Arab bỏ phiếu lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Liên Hiệp Quốc, họ lại tránh chọn phe. Ða số các thành viên AL kêu gọi giải quyết xung đột bằng biện pháp ngoại giao và không quốc gia nào có hành động chọc giận Mát-xcơ-va, chẳng hạn như trừng phạt kinh tế. Các quan chức Arab xem xung đột tại Ukraine là cuộc khủng hoảng của châu Âu và được giải quyết bởi các nước phương Tây và Nga. Những xung đột và bất ổn trong thế giới Arab mới khiến Saudi Arabia và các quốc gia Arab lo ngại nhiều hơn, chứ không phải cuộc chiến tại Ukraine.

Đối phó với phương Tây

Giới chuyên gia nhận định việc đón tiếp Tổng thống Zelensky là để ngăn chặn những chỉ trích của phương Tây nhắm vào Saudi Arabia và các quốc gia Arab khác. Một số quan chức Mỹ đã cáo buộc Riyadh hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến của Nga tại Ukraine vì động thái cắt giảm sản lượng dầu thô đã đẩy giá dầu tăng cao. Sự hợp tác giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia dẫn đầu và Nga đã hứng chịu những chỉ trích gay gắt từ Washington.

Tạo cơ hội cho ông Zelensky phát biểu trước AL được hiểu là một phần trong nỗ lực của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và Saudi Arabia nhằm củng cố quan điểm rằng các quốc gia Arab vẫn giữ thái độ trung lập đối với xung đột Nga - Ukraine. Thái tử Mohammed bin Salman, người cũng đang giữ cương vị Thủ tướng Saudi Arabia, hôm 19-5 đã tái khẳng định sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong cuộc chiến trên.

Việc mời Tổng thống Zelensky tới dự hội nghị AL còn có yếu tố Syria, theo các chuyên gia. “Mời ông Zelensky dự hội nghị giúp xoa dịu một số yếu tố gây tranh cãi khác của sự kiện, ví dụ như việc mời Tổng thống Syria Bashar al-Assad vốn là điều cực kỳ nhạy cảm trong bối cảnh bình thường hóa”, nhà phân tích Caroline Rose, người đứng đầu chương trình Power Vacuums tại Viện Chiến lược và Chính sách New Lines (Mỹ), nhận định. Viện dẫn các vấn đề về nhân quyền và thiếu giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến lâu nay ở Syria, phương Tây đã lên tiếng phản đối việc các chính phủ Arab tái lập mối quan hệ hữu nghị với Damascus.

Dưới sự điều hành của Thái tử Mohammed bin Salman, Saudi Arabia ngày càng háo hức trở thành đầu tàu của thế giới Arab và quốc gia có ảnh hưởng lớn về ngoại giao trên trường quốc tế. Bằng cách bước vào thời kỳ hòa hoãn với đối thủ Iran trong năm nay, nỗ lực đạt thỏa thuận hòa bình với lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen, giảng hòa với Chính phủ Syria, Saudi Arabia lựa chọn giải pháp ngoại giao và ít đối đầu hơn trong chính sách đối ngoại của vương quốc này.

Chia sẻ bài viết