12/11/2011 - 20:51

Tại sao chúng ta “ê óc” mỗi khi cào móng tay lên bảng?

Với hầu hết chúng ta, tiếng móng tay cào lên bảng hoặc tấm kim loại là âm thanh chói tai nhất. Mới đây, các nhà khoa học Đức phát hiện cấu trúc ống tai chính là nguyên nhân khiến chúng ta không chịu được âm thanh này.

Các chuyên gia thuộc Đại học Truyền thông & Thông tin liên lạc Macromedia đã chia các tình nguyện viên thành hai nhóm, nhóm 1 được nghe loại âm nhạc “khó thưởng thức” và nhóm 2 được nghe hàng loạt những âm thanh đáng sợ. Kết quả cho thấy tiếng móng tay cào lên bảng nghe khó chịu hơn cả so với tiếng nĩa cào trên dĩa và tiếng cọ xát của mút xốp. Các chuyên gia tiến hành đo nhịp tim, huyết áp và sự thay đổi của làn da, sau đó giảm tần số của các âm thanh trên để chúng dễ nghe hơn và phát hiện phản ứng của cơ thể, chứ không phải yếu tố tâm lý, chính là nguyên nhân khiến chúng ta khó chịu. Theo các chuyên gia, âm thanh được tạo ra khi cào móng tay lên bảng có tần số nằm trong khoảng 2.000-4.000 Hz, cao hơn rất nhiều so với tần số của tiếng nói. Những âm thanh thuộc tần số này, nếu vang vào tai người, sẽ được khuếch đại lên đến mức nhức nhối và đó là lý do chúng ta cảm thấy “ê óc” trước những âm thanh nói trên.

BẢO TRÂM (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết