|
Lực lượng vũ trang bí mật tại Syrie. Ảnh: JP |
Trong khi cộng đồng quốc tế đã bắt đầu các nỗ lực ngoại giao giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syrie thì vẫn có dấu hiệu cho thấy một số thế lực bên ngoài đang chuẩn bị cho cuộc chiến sắp xảy ra ở nước này.
Những động thái châm ngòi chiến tranh
Hãng tin Anh Reuters hôm qua cho biết Mỹ đang xem xét cách thức viện trợ lương thực và thuốc men cho người dân Syrie tại các vùng xảy ra đụng độ giữa phe nổi dậy và các lực lượng an ninh trung thành của Tổng thống Bashar al-Assad. Theo Reuters, đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn can dự vào một cuộc xung đột đang có nguy cơ lan rộng ra khu vực và gây chia rẽ giữa các cường quốc có lợi ích tại Syrie.
Nước láng giềng đầy tham vọng của Syrie là Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tuyên bố Ankara không thể tiếp tục đứng nhìn tình trạng giết chóc ở Syrie và sẽ tổ chức một cuộc họp quốc tế tìm kiếm biện pháp hỗ trợ nhân đạo và chấm dứt bạo lực. Trong khi đó, trang web tình báo Debkafile của Israel tiết lộ lính đặc nhiệm của Anh và Qatar đã có mặt tại Syrie để trực tiếp cung cấp vũ khí và tư vấn chiến thuật cho các lực lượng vũ trang của phe đối lập tại Homs, thành phố miền Tây lớn thứ 3 tại Syrie.
Debkafile còn cho hay Cơ quan tình báo MI6 chuyên trách các hoạt động ở hải ngoại của Anh đã thành lập 4 trung tâm tại Homs nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động quân sự bí mật sắp tới của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Syrie cáo buộc nhiều nước A-rập khác, trong đó có Arabie Séoudite, đã châm ngòi cho tình trạng bất ổn an ninh tại nước này bằng cách đưa các băng đảng với đầy đủ khí tài sang Syrie kích động nội chiến hòng có cớ lật đổ chế độ al-Assad.
Tấp nập các hoạt động ngoại giao
Bộ Ngoại giao Mỹ đã cử đặc phái viên về Trung Đông Jeffrey Feltman đến Maroc, Pháp và Bahrein để nhờ giúp tổ chức một cuộc họp đầu tiên của nhóm “những người bạn Syrie” nhằm đưa ra giải pháp chung trong chiến dịch lật đổ chế độ của Tổng thống al-Assad. Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Maroc đã tỏ ý sẵn sàng tham gia hội nghị này. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu dự kiến sẽ đến Mỹ vào đầu tuần tới.
Đại diện cấp cao về an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherin Aston, kêu gọi Nga ủng hộ nghị quyết của LHQ đề nghị chính quyền al-Assad chấm dứt bạo lực, và cho biết EU đã thúc đẩy các nỗ lực nhằm siết chặt trừng phạt chống Damas. Bà Ashton cũng đang chuẩn bị gặp Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và giới chức ngoại giao Mỹ.
Trong khi đó, phe đối lập Syrie cũng vừa có chuyến thăm Trung Quốc 4 ngày để vận động Bắc Kinh thay đổi lập trường đối với chính quyền Damas hiện nay. Chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố sẽ sang Syrie tìm cách hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng sau khi Bắc Kinh cùng với Mát-xcơ-va phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vấn đề Syrie hôm 4-2.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonvov ngày 9-2 phát biểu trên truyền hình nhận định tình hình ở Syrie đang xấu đi và Nga “không thể khoanh tay đứng nhìn”. Ông nhấn mạnh Nga sẽ làm hết sức để tránh mọi sự can thiệp quân sự vào Syrie. |
Tâm điểm ngoại giao trong vấn đề Syrie sẽ là cuộc họp ngoại trưởng của Liên đoàn A-rập (AL) tại Cairo (Ai Cập) ngày 12-2. Cuộc họp này sẽ quyết định liệu AL có cử phái đoàn giám sát mới lớn hơn và được trang bị tốt hơn tới Syrie với sự hỗ trợ của LHQ hay không. Phái đoàn giám sát phối hợp AL-LHQ được chờ đợi là “kênh ngoại giao” quan trọng nhất có thể giúp hiểu rõ hơn tình hình hiện nay ở Syrie.
Nguồn tin từ chính phủ Syrie cho biết ngày 10-2, thành phố lớn thứ hai Aleppo của nước này đã xảy ra ba vụ nổ bom nhằm vào một trụ sở của lực lượng tình báo quân đội, một trung tâm của lực lượng an ninh và một khu thương mại lớn làm 25 người thiệt mạng và khoảng 165 người khác bị thương. Hãng truyền hình Syrie cáo buộc “các nhóm khủng bố có vũ trang” đã gây ra các vụ nổ. Trước đó, tại thành phố Homs có 4 quân nhân chính phủ bị các nhóm khủng bố giết hại. Phe đối lập thì cáo buộc quân đội chính phủ đã tấn công sát hại ít nhất 400 người chống đối kể từ khi nối lại chiến dịch đàn áp cách đây 7 ngày.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)