14/01/2025 - 08:31

Syria trước cơ hội được phương Tây xóa cấm vận 

Chính quyền mới ở Syria đang đứng trước cơ hội được xóa bỏ cấm vận từ phương Tây sau cuộc gặp đầu tiên giữa hai bên tại Saudi Arabia.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Farhan Al Saud chủ trì hội nghị cấp cao về Syria ngày 12-1. Ảnh: AFP

NguyỆn vọng của Syria

Hội nghị cấp cao về Syria được tổ chức tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia ngày 12-1 đánh dấu cuộc họp khu vực đầu tiên về nới lỏng trừng phạt đối với nước này kể từ khi phe nổi dậy lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vào tháng 12 năm ngoái. Ðây cũng là cuộc họp đầu tiên có sự tham gia của các lãnh đạo mới ở Syria và giới chức cấp cao phương Tây.

Phát biểu trước báo giới tại Riyadh,  Ðại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas cho biết ngoại trưởng các nước trong khối sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 27-1 để thảo luận về vấn đề dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Syria. Theo bà, các ưu tiên nới lỏng bao gồm những lệnh trừng phạt đang cản trở việc xây dựng đất nước, khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.

Bà Kallas cũng lưu ý rằng EU sẽ xem xét cân nhắc 3 yếu tố để đưa ra quyết định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, bao gồm tính bao trùm của các phe phái khác nhau trong Chính phủ Syria, không cực đoan hóa và sự tham gia của phụ nữ vào quá trình này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ðức Annalena Baerbock tuyên bố Berlin sẽ chi 51 triệu USD để viện trợ nhân đạo tại Syria. Chính phủ Ðức đang đề xuất với EU về một “cách tiếp cận thông minh” đối với các lệnh trừng phạt.

Tại cuộc họp báo sau hội nghị, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria. Ngoại trưởng Faisal Al Saud nêu bật tầm quan trọng của việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương và quốc tế áp đặt lên Syria. Theo ông, việc tiếp tục các lệnh trừng phạt này sẽ cản trở nguyện vọng của người dân Syria trong việc đạt được sự phát triển và tái thiết.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh chính quyền mới của Syria do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo thúc giục phương Tây dỡ bỏ trừng phạt để giúp dòng viện trợ quốc tế chảy vào Damascus. Hội nghị cũng đã xem xét quyết định của Mỹ về việc nới lỏng các hạn chế đối với viện trợ nhân đạo Syria trong 6 tháng và châu Âu có kế hoạch thực hiện các bước tương tự vào cuối tháng này.

Theo giới phân tích, Mỹ và các nước châu Âu đang đi theo hướng mà HTS mong muốn, trong đó gỡ bỏ hoặc ít nhất là đóng băng lệnh trừng phạt.

EU đã áp lệnh trừng phạt lên Syria để phản ứng trước cuộc đàn áp của chính quyền al-Assad đối với dân thường vào năm 2011. Các đòn trừng phạt bao gồm lệnh cấm đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ Syria và các công ty tham gia xây dựng các nhà máy điện mới để sản xuất điện trong nước, lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ quốc gia này, lệnh cấm vận vũ khí và những hạn chế xuất khẩu khác.

Hội đồng châu Âu đã gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Syria đến ngày 1-6-2025. Hiện có 318 cá nhân và 86 tổ chức Syria đang bị phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh vào EU.

Nhiệm vụ tái thiết nặng nề

Nội chiến kéo dài đã gây ra hậu quả tàn khốc cho người dân, cơ sở hạ tầng và nền kinh tế Syria. 16 triệu người hiện đang cần viện trợ nhân đạo và 70% dân số nước này sống trong cảnh nghèo đói, trong khi khoảng 13 triệu người đã phải lánh nạn trong nước hoặc ở nước ngoài.

Lưới điện quốc gia, bị hư hại nghiêm trọng do xung đột, đang từng bước được khôi phục để đáp ứng nhu cầu của người dân và thúc đẩy sản xuất.

Trong khi đó, hệ thống y tế Syria vẫn đối mặt với thách thức nghiêm trọng. Hazem Baqleh, người đứng đầu Hội Chữ thập Ðỏ Arab Syria, đã cảnh báo về tình trạng thiếu hụt thuốc men và các bệnh viện bị tàn phá nghiêm trọng. Việc khôi phục các dịch vụ y tế đang được đặt lên hàng đầu trong chương trình tái thiết đất nước.

Sản lượng lúa mì và lúa mạch ở Syria có nguy cơ giảm mạnh nếu không nhận được hỗ trợ kịp thời. Hệ thống hạ tầng nông nghiệp, từ nguồn giống, phân bón đến thức ăn chăn nuôi, đang cần được phục hồi khẩn cấp. Lượng mưa thấp hơn mức trung bình cũng khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi sự phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức quốc tế.

Giá trị đồng bảng Syria đã giảm mạnh, trong khi dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương gần như cạn kiệt. Sản xuất dầu mỏ của Syria giảm từ 380.000 thùng/ngày xuống còn 90.000 thùng/ngày, khiến nước này phải nhập khẩu dầu mỏ, chủ yếu từ Iran.

Nền kinh tế Syria đã suy giảm 85% kể từ năm 2011 (GDP hiện chỉ còn tương đương 9 tỉ USD) và ước tính chi phí tái thiết có thể lên tới 250-400 tỉ USD.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết