02/06/2010 - 21:08

Suy giảm đa dạng sinh học tác động xấu đến đời sống nhân loại

Đa dạng sinh học chính là sự phong phú của các loài trên Trái đất. Ảnh: Guardian

Báo cáo Triển vọng Đa dạng sinh học toàn cầu thứ 3 vừa được Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) công bố cảnh báo tổn thất trong đời sống hoang dã và môi trường sống có thể gây hại các nguồn cung lương thực và ngành công nghiệp, cũng như khiến hiện tượng biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn.

Các chuyên gia tham gia hội nghị của Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học ở Thủ đô Nairobi (Kenya) hồi giữa tháng 5 thừa nhận những mục tiêu mà các nước đề ra cách đây 8 năm nhằm giảm bớt tình trạng suy giảm đa dạng sinh học vào năm 2010 đã không hoàn thành như kế hoạch. Hậu quả là suy giảm đa dạng sinh học đang diễn tiến với tốc độ nhanh chưa từng có, trong khi nỗ lực của chúng ta trong việc làm giảm áp lực lên thế giới động-thực vật, môi trường sống và hệ sinh thái vẫn ở mức thấp.

Theo Joseph Alcamo, nhà khoa học hàng đầu của UNEP, kể từ năm 1970 đến nay, số loài động vật trên Trái đất giảm 30%, diện tích hệ sinh thái rừng ngập mặn và thảm cỏ biển cũng giảm 20%, còn độ bao phủ của các rặng san hô sống thì giảm đến 40%. “Những tổn thất này không thể nào tính hết, bởi đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng với sức khỏe con người và sự phát triển bền vững (của các quốc gia)”, ông nói. Trong khi đó, Achim Steiner, Giám đốc điều hành UNEP cho rằng kinh doanh không còn là sự lựa chọn hàng đầu nữa nếu con người không thể ngăn ngừa sự tổn thất đối với hệ thống duy trì sự sống trên hành tinh.

Báo cáo của UNEP nhấn mạnh 2010 không phải là năm tình trạng suy giảm đa dạng sinh học được ngăn chặn, mà đây là thời điểm để con người quan tâm nhiều hơn đến vấn đề trọng yếu này cũng như gia tăng những nỗ lực nhằm bảo vệ những gì còn lại trên Trái đất.

THỤY TRÚC (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết