15/08/2020 - 18:03

Súng Mỹ “tiếp tay” cho tội phạm ở Anh 

Súng ngắn Mỹ đang âm thầm được tuồn vào Anh, khiến cảnh sát xứ sương mù lo ngại vũ khí trái phép đang góp phần làm gia tăng tội phạm nơi đây.

Giới chức NCA kiểm tra số súng lậu thu được. Ảnh: NYT

Giới chức NCA kiểm tra số súng lậu thu được. Ảnh: NYT

Sau một cuộc cãi vả về món nợ ma túy khoảng 50USD, Josh Bains, 28 tuổi, bị sát hại tại nơi cách ngôi làng mà anh lớn lên ở Anh chỉ vài dặm. Bains chỉ là một trong số nhiều người chết vì súng trong những năm gần đây khiến chính quyền Luân Ðôn lo ngại về đường dây buôn lậu súng ngày càng bành trướng từ Mỹ.

Theo tờ Thời báo New York (NYT), khẩu súng cướp đi sinh mạng của Bains vào tháng 10-2018 là khẩu Taurus Model 85 vốn bị cấm hoàn toàn ở Anh. Hung khí được phát hiện 3 tháng sau đó. Kẻ thủ ác đã không xóa số sê-ri trên súng nên cảnh sát truy ra nguồn ngốc của nó là từ bang Florida. Sự hiện diện của súng Mỹ tại Anh trở nên rõ ràng hơn khi hồi tháng 7-2019, Cơ quan Tội phạm quốc gia Anh (NCA) lục soát một tàu container đến từ Florida cập cảng Ambarli (miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ) và phát hiện 57 khẩu súng cùng với 1.230 viên đạn được giấu trong những chiếc ô tô cũ. Những khẩu súng này được mua hợp pháp tại các hội chợ súng được quản lý lỏng lẻo ở Florida, sau đó được giới buôn lậu vận chuyển trên quãng đường 6.000 dặm đến Thổ Nhĩ Kỳ trước khi được bán ra ngoài.

Lâu nay, các trường hợp bỏ mạng vì súng hiếm khi xảy ra ở Anh, và rất ít người, kể cả cảnh sát, mang theo súng. Song, sự hiện diện ngày càng nhiều của các loại vũ khí phi pháp từ Mỹ trên đường phố, dẫn đến tội phạm bạo lực nghiêm trọng như giết người, đâm chém tăng mạnh. Các nhà chức trách lo ngại rằng sau khi Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), thời điểm mà biên giới các nước EU sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, việc buôn lậu súng từ Mỹ vào Anh có thể gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mạnh mẽ ủng hộ ngành công nghiệp súng đạn. “Mục tiêu của chính quyền Trump là toàn cầu hóa việc buôn bán súng và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu súng. Nếu bạn đang tạo điều kiện cho xuất khẩu súng hợp pháp thì gần như không thể tránh khỏi việc vũ khí bất hợp pháp đi vào thị trường tội phạm ở các nước khác” - Aaron Karp, cố vấn cao cấp tại nhóm Khảo sát Vũ khí Nhỏ (Thụy Sĩ), cho biết.

Mỹ là một trong những nhà xuất khẩu súng hợp pháp lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hàng trăm ngàn khẩu súng lậu cũng bị tuồn ra khỏi nước này, trở thành công cụ cho nhiều vụ giết người, đặc biệt là ở khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe. Tại Anh, nơi các vụ giết người chủ yếu bằng dao luôn ở mức cao, lượng súng phi pháp được lưu hành tại nước này ngày càng nhiều. Năm 2019, số súng do NCA thu giữ tăng gấp đôi và tội phạm sử dụng súng tăng 38% so với năm 2015, khiến giới chức trách lo ngại rằng bạo lực có thể gia tăng nếu các nhóm tội phạm chuyển từ dùng dao sang súng.

Trong nhiều trường hợp, việc buôn lậu súng do các băng nhóm vận chuyển ma túy từ các thành phố đến các thị trấn nhỏ hơn và vùng nông thôn thực hiện. Trong vài năm gần đây, NCA phát hiện ra rằng các băng nhóm này “chuộng” các loại vũ khí cổ hoặc đã ngừng hoạt động vốn khó bị lần ra dấu vết. Những vũ khí này thường bán hợp pháp tại các triển lãm súng hoặc bởi các nhà sưu tập chủ yếu là ở Mỹ và dễ mua hơn. Theo dữ liệu mà tờ NYT thu được, ít nhất 728 khẩu súng Mỹ đã bị cảnh sát Anh thu giữ từ năm 2017.

Kiểm soát súng là một trong số ít các vấn đề gắn kết một nước Anh bị chia rẽ về chính trị. Trong khi Mỹ trong nhiều thập kỷ qua đã xảy ra nhiều vụ xả súng kinh hoàng tại trường học, Anh chỉ để xảy ra duy nhất một vụ tấn công tương tự, dẫn đến việc Luân Đôn ban hành lệnh cấm người dân sở hữu súng ngắn. Vụ xả súng đẫm máu chưa từng có trong lịch sử xảy ra vào năm 1996 tại Trường Tiểu học Dunblane (Scotland), khiến 15 học sinh và 1 giáo viên thiệt mạng. Kẻ thủ ác sau đó cũng đã tự sát. Kể từ đó, chỉ có thêm một vụ xả súng hàng loạt nữa diễn ra ở Anh.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết