28/10/2024 - 08:59

Sức sống cải lương 

Trong những ngày Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 đang diễn ra tại TP Cần Thơ, không khí cải lương rất rõ nét. Nhiều người rủ nhau đi coi cải lương, đi xem nghệ sĩ ngoài đời. Những vở diễn chất lượng, những vai diễn được đầu tư kỹ lưỡng, không chỉ của các đơn vị nghệ thuật công lập mà còn của nhiều đơn vị nghệ thuật ngoài công lập, cùng hội tụ về Tây Ðô trong ngày hội lớn. Sức sống cải lương thật mãnh liệt!

Vở cải lương “Chất ngọc Cầm Thi Giang” của Nhà hát Tây Đô khai màn liên hoan. 

Cải lương hội tụ

Trong đêm khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024, Nhà biểu diễn Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ đông kín chỗ, cả tầng trệt lẫn trên lầu, nhiều người phải đứng hoặc ngồi bậc thềm để xem cải lương. Hình ảnh đẹp ấy dường như rất hiếm trong bối cảnh giải trí hiện đại ngày nay.

Sau lễ khai mạc, khi vở diễn dự thi của Nhà hát Tây Ðô chính thức kéo màn, khán giả vỗ tay rần rần. Sau những câu xuống vọng cổ ngọt ngào, những trình thức cải lương đặc sắc, cả khán phòng như vỡ òa. Nghệ sĩ nhờ vậy mà như được tiếp sức, hoàn thành tốt phần thi diễn của mình. Cô Nguyễn Thị Kim Bảy, khán giả, nói: “Lâu rồi cô mới có cảm giác đi coi cải lương như hồi trước. Vở diễn bữa nay hay quá!”. Hình ảnh đẹp từ đêm khai mạc đến những đêm thi diễn tiếp theo của liên hoan cũng giúp TP Cần Thơ - đơn vị chủ nhà - tạo ấn tượng đẹp với giới nghệ sĩ cải lương và người mộ điệu khi hội tụ về ngày hội lớn.

Liên hoan Cải lương toàn quốc là hoạt động định kỳ 3 năm một lần, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức. Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban tổ chức liên hoan, cho biết: Liên hoan năm nay có 29 đơn vị nghệ thuật tham gia, thi diễn 33 vở cải lương ở nhiều thể loại. Ðiều đáng quý là liên hoan có sự tham gia của nhiều đơn vị nghệ thuật ngoài công lập, các đơn vị hoạt động sân khấu cải lương ở miền Bắc, dù gặp nhiều khó khăn nhưng cũng nỗ lực đầu tư tham gia như Nam Ðịnh, Quảng Ninh, Hải Phòng...

Ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh: Liên hoan là nhằm tôn vinh các giá trị của nghệ thuật cải lương, tôn vinh các đơn vị, cá nhân nghệ sĩ, diễn viên có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển của sân khấu cải lương chuyên nghiệp. Ðặc biệt, mỗi lần hội tụ về liên hoan là mỗi lần các nghệ sĩ cải lương có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau và phát hiện những sáng tạo mới cho cải lương.

Nghệ sĩ Bích Trâm (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang), phấn khởi: “Ngay khi nhận vai diễn, tôi rất phấn khởi, cố gắng tập luyện để có phần thi tốt nhất tại liên hoan lần này. Liên hoan thực sự là thử thách nghề nghiệp lớn để tôi trưởng thành hơn”. Còn nghệ sĩ Hoàng Thắng, tham gia vở diễn của đơn vị Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Ðồng Tháp, thì chia sẻ rằng, mỗi lần tham gia liên hoan, anh thấy mình bản lĩnh, tự tin và học được nhiều bài học nghề nghiệp sống động.

Năm nay, Ban tổ chức có nhiều quy định mới về thể lệ liên hoan. Ðối tượng tham gia liên hoan bao gồm các đơn vị nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp trong và ngoài công lập (có thời gian hoạt động cải lương chuyên nghiệp từ 12 tháng trở lên). Mỗi đơn vị được tham gia một vở diễn, trường hợp đơn vị nghệ thuật công lập có nhiều đoàn, số lượng vở diễn tham gia tương ứng với số đoàn. Ðơn vị có trách nhiệm hoàn thiện vở diễn đạt chất lượng chuyên môn nghệ thuật. Nghệ sĩ, diễn viên đóng vai chính, thứ chính phải được đào tạo chuyên môn, chuyên ngành hoặc đã tham gia biểu diễn nghệ thuật cải lương liên tục từ 3 năm trở lên của đơn vị nghệ thuật có tư cách pháp nhân. Nghệ sĩ, diễn viên đóng vai chính, thứ chính tham gia không quá 2 vở diễn tại liên hoan. Ban tổ chức không hạn chế đề tài nhưng phải là vở diễn được dàn dựng mới hoặc những vở diễn được phục dựng với đội ngũ sáng tạo mới từ năm 2017 đến nay. Không sử dụng kịch bản sáng tác trước năm 2005 và kịch bản của nước ngoài. Những quy định này nhằm giúp liên hoan tìm được nhiều nhân tố mới, cả nghệ sĩ lẫn kịch bản cải lương.

Những tín hiệu vui

Nhà hát Cải lương Hà Nội tham gia liên hoan lần này với 3 vở: “Sóng dậy giữa vương triều”, “Xuân Hương nữ sĩ” và “Muôn dặm vì chồng”, đều có sự đầu tư rất công phu, nghệ thuật. Các nghệ sĩ của đoàn vào Cần Thơ từ trước ngày khai mạc liên hoan, để có thời gian tập dượt, xem đội bạn thi diễn rút kinh nghiệm, với tâm thế rất phấn khởi.

Nghệ sĩ Ðỗ Xuân Long, Ðoàn Cải lương Hà Nội, cho biết: Dù bây giờ, đời sống cải lương ở Hà Nội không thật sôi động như trước nhưng vẫn còn một phận khán giả rất yêu thích cải lương. Và những nghệ sĩ cải lương Thủ đô vẫn luôn lặng thầm cháy hết mình, khơi dậy sức sống cải lương trong bối cảnh hiện nay. “Với tôi, được tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc thật sự là niềm hạnh phúc”. Tương tự, các nghệ sĩ cải lương đến từ Thanh Hóa với vở “Gặp lại người đã chết”, Nam Ðịnh với “Công chúa Huyền Trân”… cũng được kỳ vọng là những điểm sáng tại liên hoan.

Theo ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban tổ chức liên hoan, một dấu ấn đậm nét của liên hoan lần này là sự tham gia của các đơn vị ngoài công lập. Các đơn vị có sự đầu tư lớn ngay từ khâu kịch bản, diễn viên đến dàn dựng, và hầu hết đều đã biểu diễn có doanh thu, đạt kết quả tốt, là minh chứng cho chất lượng vở diễn. Công ty TNHH Giải trí WE với vở “Người mang 9 án tử”, Công ty TNHH Giải trí Hero Film với vở “Ðợi Kiều”, Sân khấu Sen Việt với vở “Chói rạng sơn hà”, Công ty Hồng Lạc Xuân với vở “Khí tiết một trung thần” hay Công ty Bảo Sơn với vở “Truyền tích Cổ Loa Xưa”… là những điển hình, cho thấy sự chỉn chu, hiện đại và hấp dẫn.

Khán giả “check-in” Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024. 

Một dấu ấn nữa là sự tham gia của các đơn vị Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Sân khấu địa phương… với những vở diễn được đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Ông Trương Trọng Nghĩa, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang, cho biết: Lần đầu tiên, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang dàn dựng vở diễn tham gia “sân chơi lớn” của cải lương là Liên hoan Cải lương toàn quốc. Vở “Cánh đồng bất khuất” của tác giả Huỳnh Anh, đạo diễn Huỳnh Mơ, được thực hiện hoàn toàn bằng nguồn kinh phí xã hội hóa khoảng 200 triệu đồng. Vở diễn tái hiện hình tượng ba chiến sĩ gang thép “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong trận chiến trên cánh đồng Ấp Bắc cách nay hơn 60 năm về trước. Tương tự, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long cũng dự thi vở cải lương “Chân mệnh” bằng hình thức xã hội hóa...

Có thể nói, dấu son của liên hoan năm nay là sự trỗi dậy của cải lương đề tài lịch sử nước ta. Ðại đa số các đơn vị nghệ thuật chọn khai thác đề tài này, từ sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, cả trong thời kỳ phong kiến lẫn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… Trong đó, rất nhiều kịch bản được sáng tác mới, với cách thể hiện hiện đại, gây ấn tượng với người xem, như “Khúc tráng ca thành Gia Ðịnh” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, “Người con của rừng tràm” (Ðoàn Nghệ thuật Cải lương Long An), “Xuân Hương nữ sĩ” (Nhà hát Cải lương
Hà Nội)…

* * *

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chia sẻ: Cần Thơ vinh dự là một trong những cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam Bộ và là quê hương của nhiều soạn giả, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, trong đó có cố soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, người được suy tôn là Hậu Tổ nghệ thuật cải lương. Với vinh dự đăng cai Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024, TP Cần Thơ xác định đây là sự kiện văn hóa rất có ý nghĩa nhằm gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật cải lương cũng như phục vụ nhu cầu thưởng thức cải lương của nhân dân.

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 vẫn đang diễn ra với nhiều vở diễn hấp dẫn, chờ đón khán giả đến xem. Ðơn vị chủ nhà Cần Thơ đã và đang tạo dấu ấn với sự hiếu khách, chu đáo cùng tình yêu nghệ thuật cải lương.

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết