16/07/2023 - 07:43

Sức mạnh của việc làm cha mẹ với năng lượng tích cực 

AN NHIÊN (Theo Euronews)

Các nhà nghiên cứu Mỹ vừa phát hiện việc cha mẹ nuôi dạy con theo hướng tích cực - như thể hiện sự quan tâm ấm áp và luôn hỗ trợ con - có thể giúp trẻ chống lại các tác hại của tình trạng căng thẳng tinh thần (stress) ở giai đoạn thanh thiếu niên, nhờ lợi ích bảo vệ cấu trúc và chức năng của bộ não trong quá trình phát triển.

Sự quan tâm và hỗ trợ tích cực từ cha mẹ có thể bảo vệ não bộ của trẻ khỏi tác động của stress.

Tiến sĩ Jamie Hanson, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong cấu trúc bộ não thì hồi hải mã là vùng não chi phối khả năng học tập và ghi nhớ, nhưng đồng thời rất dễ bị stress. Vùng não này cũng được cho là chịu trách nhiệm xử lý cảm xúc và phản ứng hành vi của hệ viền - nơi kiểm soát tâm trạng và lo lắng. Vì vậy, những thay đổi trong cấu trúc não có thể dẫn đến nhiều vấn đề hành vi hơn, nghĩa là một người bị thay đổi cấu trúc não có khả năng phá vỡ nhiều quy tắc hơn và hành xử hung hăng hơn một chút.

Các nghiên cứu quan sát trước đây phát hiện ra rằng các hành vi nuôi dạy con tích cực - như thể hiện sự ấm áp, thái độ công nhận thành tích của con, cũng như luôn phản hồi trước cảm xúc của con - có tác động đến thể tích hồi hải mã, hạch hạnh nhân (giúp ứng phó cảm giác sợ hãi và bị đe dọa) và thể tích vỏ não trước trán (kiểm soát khả năng tập trung và cơn bốc đồng).

Nhằm làm rõ hơn nữa mối liên hệ giữa tình trạng stress trong thời thơ ấu, phương pháp nuôi dạy con và tác động của nó đối với bộ não đang phát triển của trẻ em, các chuyên gia tại Ðại học Pittsburgh đã tiến hành một nghiên cứu toàn diện dựa trên phương pháp neuroimaging. Ðây là phương pháp sử dụng các kỹ thuật định lượng để nghiên cứu cấu trúc và chức năng của hệ thống thần kinh trung ương, được phát triển để nghiên cứu khoa học não người một cách khách quan. Trong đó, các chuyên gia tận dụng dữ liệu từ Mạng lưới Não bộ Khỏe mạnh, một sáng kiến thu thập và chia sẻ dữ liệu sinh học từ 10.000 người ở khu vực New York (Mỹ).

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã phân tích hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) bộ não của gần 500 trẻ từ 10-17 tuổi để đánh giá mô não và đo kích thước của các vùng não cụ thể, gồm cả vùng hải mã. Ðể so sánh tình trạng bộ não với việc trẻ gặp stress, các chuyên gia đã hỏi trực tiếp các em về số lượng sự kiện bất lợi mà các em đã trải qua, cũng như mức độ căng thẳng của các em đối với từng sự kiện đó. Kết quả phân tích chỉ ra rằng càng bị stress nhiều trong thời thơ ấu thì thể tích vùng hồi hải mã vào tuổi thanh thiếu niên càng nhỏ. Phát hiện này phù hợp với nghiên cứu trước đây.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng xác nhận những trẻ trải qua sự kiện gây stress nhưng cảm nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ cha mẹ thì ít có sự thay đổi trong cấu trúc hồi hải mã, cũng như ít có những hành vi nổi loạn hoặc hung hăng. Nói cách khác, việc nuôi dạy con cái tích cực được chứng minh là có tác dụng bảo vệ con khỏi các tác động của stress và hành vi tiêu cực ở cấp độ thần kinh.

Như thế nào là nuôi dạy con theo hướng tích cực?

Tiến sĩ Hanson cho biết cha mẹ có thể hỗ trợ con cái bằng cách khen ngợi, thể hiện tình cảm qua cử chỉ và tỏ ra tự hào khi con có thành tích tốt, cũng như dành lời khen khi con có hành vi ứng xử đúng đắn, luôn bên cạnh trong thời gian con đối mặt khó khăn. Chẳng hạn, nếu trẻ bị ngã và trầy xước đầu gối khi đi xe đạp, cha mẹ nên bày tỏ sự quan tâm, ôm con và dỗ dành, hoặc để con bày tỏ cảm xúc nếu thấy trẻ đang buồn hoặc khó chịu.

Theo ông, mặc dù việc nuôi dạy con thời nay đã dễ dãi hơn hoặc ít nghiêm khắc hơn so với các thế hệ trước, nhưng áp lực và stress trong xã hội hiện đại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cách nuôi dạy trẻ. Do đó, ông cho rằng điều quan trọng là khuyến khích các gia đình áp dụng phương pháp nuôi dạy con tích cực để ngăn ngừa tác động của stress đối với sự phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên.l

Chia sẻ bài viết