08/09/2013 - 21:25

Sứ mệnh khó khăn của ông Kerry

Sau lời kêu gọi sự ủng hộ cho chiến dịch tấn công Syrie được cho là "bất thành" của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) ở Nga, Ngoại trưởng John Kerry tiếp tục sứ mệnh trên trong chuyến công du châu Âu 3 ngày bắt đầu từ 7-9.

Nỗ lực của ông Kerry

 Bà Catherine Ashton và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải). Ảnh: Reuters

Hôm 7-9, trong cuộc họp bàn về vấn đề Syrie với ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tại Thủ đô Vilnius của Lít-va, khối 28 quốc gia này đã làm hài lòng ông Kerry bằng tuyên bố "cực lực lên án vụ tấn công bằng khí độc ở Syrie", vụ việc mà EU cho là "có bằng chứng vững chắc chứng minh chính quyền Damas đứng đằng sau". Tuy nhiên, điều làm vị Ngoại trưởng Mỹ không hài lòng là EU kêu gọi không nên tiến hành hành động quân sự cho đến khi có báo cáo điều tra của đoàn thanh sát viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) về vụ tấn công trên. Tuyên bố của EU cũng nêu rõ quan điểm ủng hộ sự cần thiết trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syrie thông qua LHQ. Cao ủy phụ trách đối ngoại EU Catherine Ashton thì cho rằng bà hy vọng báo cáo sơ bộ từ cuộc điều tra của LHQ sẽ sớm được công bố, đồng thời hoan nghênh Pháp khi quyết định chờ đợi kết quả điều tra trước khi hành động.

Đón nhận thông điệp trên, Ngoại trưởng Kerry cho rằng Tổng thống Obama vẫn để ngỏ các giải pháp về cuộc tấn công Syrie cũng như chưa đưa ra quyết định sẽ trì hoãn việc can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông cho đến khi có kết quả điều tra của LHQ.

Gặp gỡ giới chức Pháp tại Thủ đô Paris sau đó, ông Kerry tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ cho chiến dịch tấn công Syrie. Một mặt khẳng định không kích Damas là điều cần thiết đối với an ninh của nước Mỹ, mặt khác ông thúc giục phương Tây không nên "im lặng trước vụ giết người"- ám chỉ vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damas hôm 21-8 mà tình báo Mỹ khẳng định "có bàn tay của chính quyền Bashar al-Assad".

Trong tuyên bố chung, Ngoại trưởng Kerry và người đồng cấp Pháp Laurent Fabius cho rằng cộng đồng quốc tế cần "đáp trả hiệu quả, rõ ràng và có mục tiêu với mục đích làm giảm khả năng sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Damas cũng như ngăn ngừa tình trạng trên tái diễn". Ngoại trưởng hai nước bày tỏ sự hài lòng với cái được cho là "sự ủng hộ rộng lớn" về phản ứng mạnh mẽ đối với chính quyền Damas, dù sau Hội nghị G-20 ở Nga, nhiều lãnh đạo phương Tây tỏ ra ngờ vực tính hiệu quả của chiến dịch tấn công Syrie mà ông chủ Nhà Trắng đã nỗ lực vận động từ trong nước cho đến các cuộc gặp bên lề hội nghị.

"Cuộc đua" giữa ông Obama và người biểu tình

Các chính đảng Syrie nhất trí tạm gác bất đồng để chống xâm lược

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, các chính đảng Syrie ngày 7-9 đã nhất trí tạm gác mọi bất đồng và cùng chung sức để bảo vệ đất nước trong bối cảnh Mỹ và các nước đồng minh đang đe dọa tấn công quân sự vào nước này.
Hãng thông tấn chính thức SANA cho biết tại một cuộc họp để thảo luận về hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài có thể xảy ra, ban lãnh đạo Đảng Baath Xã hội chủ nghĩa Arab cầm quyền và lãnh đạo các chính đảng khác của Syrie khẳng định hành động xâm lược của Mỹ và phương Tây sẽ khiến tất cả các lực lượng đoàn kết lại, bất chấp khác biệt về quan điểm chính trị và tư tưởng.

Riêng Tổng thống Obama, sau khi trở về từ Hội nghị G-20, tiếp tục tìm kiếm sự phê chuẩn của Đồi Capitol về việc tấn công Syrie. Vào hôm nay, ông sẽ có một loạt cuộc phỏng vấn trên các hãng tin Mỹ không gì ngoài mục đích thuyết phục người dân xứ cờ hoa đồng ý không kích "giới hạn" Syrie. Cũng trong nỗ lực trên, một ngày sau đó, ông chủ Nhà Trắng sẽ có buổi diễn thuyết trên truyền hình trước toàn dân Mỹ.

Song song với những nỗ lực vận động tấn công Syrie của Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry, người dân ở Washington cũng xuống đường bày tỏ thái độ ngược lại. Thông điệp chung của hàng trăm người tập trung bên ngoài Nhà Trắng hôm 7-9 là kêu gọi Quốc hội Mỹ bác bỏ kế hoạch tấn công Syrie của chính quyền Obama.

Theo hãng tin Mỹ AP, cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện về nghị quyết cho phép chính quyền Obama sử dụng vũ lực đối với Syrie sẽ được diễn ra vào cuối tuần này, trong khi Hạ viện sẽ biểu quyết sau đó một tuần. Dường như diễn biến trên cũng trùng khớp với thời điểm LHQ dự kiến công bố kết quả điều tra về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syrie.

THANH BÌNH (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết