25/08/2016 - 09:43

Sứ mệnh khó khăn của ông Biden

Ngày 24-8, Phó Tổng thống Joe Biden bắt đầu chuyến công du chính thức Thổ Nhĩ Kỳ và trở thành quan chức Mỹ cấp cao đầu tiên đến thăm quốc gia này kể từ sau vụ đảo chính bất thành hồi giữa tháng 7.

Theo giới quan sát, chuyến đi của ông Biden nhằm cân bằng quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp không ít áp lực trong bối cảnh quan hệ hai nước đang lạnh nhạt dần kể từ sau cuộc binh biến ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng trước. Trong đó, Ankara cáo buộc giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ là người đứng sau vụ đảo chính và yêu cầu Mỹ dẫn độ nhân vật này. Nhưng Washington vẫn chưa đáp ứng vì cho rằng Ankara không cung cấp đủ chứng cứ.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại Istanbul hồi đầu năm nay. Ảnh: AFP  

Nói trong điều kiện giấu tên, một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết Phó Tổng thống Biden trong cuộc gặp với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khẳng định Mỹ vẫn đang tiến hành mọi công tác hỗ trợ Ankara để truy cứu trách nhiệm những người đứng sau vụ đảo chính, nhưng phải đảm bảo các quy định pháp luật được tôn trọng trong quá trình này.

Tổng thống Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ xem bóng đá

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ để xem trận bóng đá giao hữu giữa đội tuyển hai nước vào ngày 31-8 tới tại thành phố miền Nam Antalya. Dự kiến Tổng thống nước chủ nhà Erdogan cũng sẽ có mặt.

Đây được xem là bước tiến mới trong tiến trình cải thiện quan hệ song phương sau những căng thẳng từ vụ máy bay Nga bị lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hồi năm ngoái. Hồi đầu tháng 8, hai nước đã có những biện pháp tích cực khôi phục quan hệ sau chuyến thăm Nga của ông Erdogan.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmush hôm 23-8 tuyên bố Nga không thể sử dụng căn cứ không quân Incirlik trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ vì Incirlik do NATO điều hành mà Nga không phải là thành viên NATO.

Phản ứng của Mỹ trong và sau cuộc đảo chính là đề tài gây sóng gió cho quan hệ hai nước, thậm chí truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Washington đứng đằng sau âm mưu đảo chính. Thăm dò ý kiến ​​cho thấy đa số dân Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng họ bị phản bội bởi đồng minh và Mỹ đã đồng lõa trong âm mưu đảo chính. Một số nhà phân tích cũng cho biết phần lớn người dân chỉ trích Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vì đã phản ứng thái quá đối với cuộc trấn áp của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sau đảo chính.

Ngoài vấn đề liên quan đảo chính, ông Biden còn phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là duy trì liên minh mong manh và tạm bợ giữa hai nước trong cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ luôn bất đồng xung quanh Lực lượng Bảo vệ người Kurd (YPG). Thổ Nhĩ Kỳ coi tổ chức này là chi nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà nước này liệt vào danh sách khủng bố. Ngược lại, Washington cho rằng YPG không có mối liên hệ nào với PKK, thậm chí Mỹ vẫn đang hợp tác với YPG để trợ giúp cho cuộc chiến chống IS.

Với tình hình như vậy, đại sứ Mỹ tại Ankara John Bass nhận định chuyến thăm của Phó Tổng thống Biden nhằm xua tan giả thuyết rằng Mỹ đứng sau âm mưu đảo chính có thể sẽ thất bại. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng về cơ bản thì Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều hiểu họ đang cần có nhau. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuy rạn nứt với phương Tây nhưng nước này vẫn là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một phần trong liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu. Ngày 24-8, các đơn vị đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ được sự yểm trợ của máy bay của liên quân đã tiến hành tiến công vào thị trấn Jarablus của Syria nhằm giành lại quyền kiểm soát thị trấn này từ tay IS. Trước đó, máy bay và pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục không kích và nã pháo vào thị trấn này để mở đường cho cuộc tấn công của bộ binh.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, BBC)

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy nhiều mục tiêu IS ở Syria

Ngày 24-8, kênh truyền hình Haberturk TV của Thổ Nhĩ Kỳ thông báo trong khuôn khổ chiến dịch tấn công triển khai từ sáng cùng ngày, pháo binh và không quân nước này đã phá hủy trên 80 mục tiêu của nhóm “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại thị trấn Jarablus của Syria.

Theo nguồn tin trên, các chiến đấu cơ F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công 12 mục tiêu của IS, trong khi các khẩu pháo của quân đội nước này đã nã hơn 200 quả đạn qua biên giới vào khoảng 70 mục tiêu của IS gần thị trấn Jarablus. Hiện chiến dịch trên vẫn đang tiếp tục, pháo và các hệ thống tên lửa hỏa lực giàn được tăng cường.

Trước đó, các đơn vị đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, với sự yểm trợ của máy bay chiến đấu thuộc liên quân do Mỹ đứng đầu, đã mở chiến dịch truy quét nhóm IS ở miền Bắc Syria, dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến dịch tấn công trên diễn ra trong bối cảnh Ankara coi việc kiểm soát thị trấn chiến lược Jarablus là vấn đề an ninh quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ do thị trấn này nằm đối diện với thị trấn Karkamis ở Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền của Tổng thống Recep Erdogan không muốn thị trấn này rơi vào tay nhóm vũ trang Các đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd (YPG).

Về phía IS, các nhân chứng cho biết các lực lượng của nhóm khủng bố này ở Syria cùng ngày đã nã súng cối vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Đây dường như là hành động đáp trả các cuộc oanh kích của Thổ Nhĩ Kỳ gần thị trấn Jarablus.

Chia sẻ bài viết