05/12/2008 - 07:51

Sứ mệnh bất thành của bà Rice

Ngoại trưởng Rice và người đồng cấp Ấn Độ Mukherjee trong cuộc họp báo ở New Delhi hôm 3-12.
Ảnh: AP

Trong nỗ lực làm giảm căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan do vụ tấn công khủng bố làm gần 200 người chết ở thành phố Mumbai hồi tuần rồi, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice vừa có chuyến công du tới New Delhi và Islamabad. Tuy nhiên, với mối quan hệ phức tạp giữa Ấn Độ và Pakistan, cũng như giữa Mỹ với hai quốc gia hạt nhân ở Nam Á này, nhất là trong thời điểm đang chuyển giao quyền lực ở Washington, bà Rice xem ra không đạt được mục tiêu.

Trong buổi họp báo chung với bà Rice hôm 3-12, Ngoại trưởng Ấn Độ Pranab Mukherjee khẳng định những phần tử tiến hành vụ tấn công Mumbai đều tới từ Pakistan, và các chỉ huy của chúng cũng ở Pakistan. Ông nhấn mạnh Ấn Độ sẽ hành động tùy vào phản ứng của Islamabad đối với yêu cầu của New Delhi về việc giao nộp các nghi can khủng bố. Ấn Độ không loại trừ khả năng nào nhằm đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ, an toàn và an ninh cho người dân. Trong khi đó, tuy cam kết hành động nhưng Pakistan tuyên bố họ cần có bằng chứng xác thực và không chấp nhận yêu cầu của Ấn Độ về việc trao 20 tay súng bị truy nã mà New Delhi cho rằng đang sống ở Pakistan.

Thực chất, Ngoại trưởng Mỹ khó gây sức ép đối với bên nào, bởi Washington đang tìm cách tăng cường hợp tác với cả Ấn Độ và Pakistan. Washington muốn Pakistan giúp đánh bại Al Qaeda và tàn quân Taliban đang trú ẩn dọc biên giới giáp Afghanistan. Do đó, nếu quá nghiêng về New Delhi, Mỹ sẽ phá hỏng sự hợp tác này. Các quan chức an ninh Pakistan mới đây thậm chí còn dọa sẽ rút quân khỏi các khu vực biên giới bất ổn giáp Afghanistan để đưa tới biên giới với Ấn Độ. Còn với New Delhi, Washington vừa mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác, khi Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận hạt nhân dân sự với Ấn Độ hồi tháng 10. Mỹ đang nỗ lực gầy dựng ảnh hưởng ở Nam Á, cho nên luôn cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của Ấn Độ sau hơn 3 thập niên nước này gần gũi với Liên Xô (sau này là Nga). Trong bối cảnh đó, bà Rice chỉ có thể hành động nước đôi: yêu cầu Pakistan hợp tác điều tra đầy đủ về cuộc tấn công ở Mumbai, nhưng cảnh báo Ấn Độ không nên có bất kỳ hành động nào có thể gây xung đột ở khu vực.

Chính quyền George Bush muốn đảm bảo loạt vụ tấn công ở Mumbai không hủy hoại tiến trình hòa bình 5 năm qua giữa Pakistan và Ấn Độ. Còn nhớ sau khi các tay súng tình nghi từ Pakistan tấn công tòa nhà Quốc hội Ấn Độ tháng 12-2001, quan hệ Ấn Độ - Pakistan trở nên căng thẳng tới mức hai bên đều dàn trận tại biên giới. Ngày 3-12, khi bà Rice đang ở Ấn Độ thì Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen cũng đến Pakistan, hội đàm với Tổng thống Asif Ali Zardari và các quan chức cấp cao khác. Ông Mullen giục Islamabad tăng cường truy quét các tổ chức nổi dậy và “hành động nhiều hơn, phối hợp tốt hơn nhằm chống các phần tử cực đoan ở khắp Pakistan”.

Chỉ còn 6 tuần trên cương vị Ngoại trưởng, chuyến thăm của bà Rice dường như không hữu ích gì. Tổng thống đắc cử Barack Obama cho biết sẽ cử đặc phái viên tới Nam Á để giúp giải quyết mâu thuẫn giữa Pakistan và Ấn Độ xung quanh việc tranh chấp khu vực Kashmir (vấn đề được cho là nguyên nhân phát sinh khủng bố ở Ấn Độ). Tuy nhiên, Ấn Độ luôn khẳng định Kashmir là vấn đề song phương đơn thuần và phản đối sự can thiệp của Mỹ.

N.MINH (Theo Reuters, The Time, NY Times)

Ngoại trưởng Rice và người đồng cấp Ấn Độ Mukherjee trong cuộc họp báo ở New Delhi hôm 3-12. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết