20/01/2022 - 21:26

Sri Lanka “tiến thoái lưỡng nan” 

Ở thủ đô thương mại Colombo hiện nay, người ta không khó để nhìn thấy hình ảnh chiếc xe bò chở theo những thùng dầu hỏa vốn là biểu tượng cuộc sống ở Sri Lanka trong những năm 1970, trong bối cảnh nguồn dự trữ ngoại tệ của đảo quốc này ngày càng cạn kiệt, gây cản trở việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.

Người dân Sri Lanka xếp hàng chờ mua thực phẩm. Ảnh: AFP

Trả nợ hay vỡ nợ

Ngọn nguồn của vấn đề trên là khoản nợ khổng lồ của Sri Lanka. Hiện chính quyền do Tổng thống Gotabaya Rajapaksa lãnh đạo đang đứng trước 2 lựa chọn, hoặc là phải trả khoản nợ 7,3 tỉ USD trong năm nay hoặc là tuyên bố vỡ nợ - điều chắc chắn làm tổn hại danh tiếng của Sri Lanka, khiến cho việc vay tiền với lãi suất thấp trong tương lai của nước này trở nên khó khăn hơn, từ đó có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Theo tờ Al Jazeera, dự trữ ngoại hối của Sri Lanka đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử, chỉ còn 1,6 tỉ USD vào tháng 12 năm ngoái (so với 7,9 tỉ USD năm 2019), do ngành du lịch thất thu vì sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Tình hình trở nên “khá” hơn khi Ngân hàng Trung ương Sri Lanka hồi cuối năm ngoái đã thêm một khoản hoán đổi tiền tệ trị giá 10 tỉ nhân dân tệ (tương đương 1,5 tỉ USD) vào kho dự trữ mà nước này thỏa thuận với Trung Quốc. Thế nhưng, động thái trên không thể giúp tăng cường nguồn dự trữ ngoại hối của Sri Lanka cũng như không thể giúp nước này tránh khỏi việc phải lựa chọn giữa trả nợ hoặc chi tiền nhập khẩu các nhu yếu phẩm hàng ngày, gồm khí đốt, sữa bột, nhiên liệu, thuốc men.

Trong bối cảnh đó, Vish Govindasamy, Chủ tịch Phòng thương mại Ceylon, phòng kinh doanh hàng đầu và lâu đời nhất ở Sri Lanka, trong một tuyên bố trước truyền thông địa phương hồi đầu tháng này đã kêu gọi chính phủ hoãn việc thanh toán nợ, thay vào đó sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối khan hiếm để mua các mặt hàng thiết yếu cho người dân. Cựu Chủ tịch Ceylon JD Bandaranayake cũng cho rằng chính phủ nên tập trung vào việc làm “giảm bớt khó khăn” cho người dân và nên “sắp xếp lại thời gian trả nợ”. Thế nhưng, những lời kêu gọi này đã bị lãng quên khi các bộ trưởng và ngân hàng trung ương đua nhau đưa ra các giải pháp ngắn hạn, chủ yếu là hoán đổi tiền tệ. Song, giới phân tích cho rằng việc làm này là vô nghĩa khi trả nợ, bởi các khoản hoán đổi như vậy không thể chuyển đổi dễ dàng thành đồng USD.

Làm mọi cách để giãn nợ

Trước tình cảnh bị nợ “bao vây”, Chính phủ Sri Lanka đã đưa ra một loạt giải pháp. Alireza Peyman-Pak, người đứng đầu Tổ chức Xúc tiến Thương mại Iran, cho hay nước này và Sri Lanka hồi cuối năm ngoái đã đạt được một thỏa thuận mà theo đó, Sri Lanka hàng tháng sẽ xuất khẩu lô trà Ceylon trị giá 5 triệu USD sang Iran để giải quyết khoản nợ mua dầu trị giá 251 triệu USD Tehran cung cấp cho Colombo cách đây 9 năm.

Ðầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đã bán một nửa số vàng dự trữ trị giá 382 triệu USD để chi trả các khoản thanh toán trái phiếu trị giá 500 triệu USD. Bên cạnh đó, Colombo cũng đang đàm phán với một số đối tác như Oman, Qatar và Nhật Bản để có được các khoản vay nhằm đáp ứng nhu cầu nhập khẩu trong nước.

Ðáng chú ý, Ấn Ðộ và Sri Lanka hôm 15-1 đã xem xét tiến độ gia hạn các khoản vay có tổng trị giá 1,5 tỉ USD để giúp Sri Lanka khắc phục khủng hoảng kinh tế. Theo đó, Sri Lanka sẽ nhận 1 tỉ USD để nhập khẩu thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu và thuốc men. Và khoản thứ hai trị giá 500 triệu USD để giúp nước này nhập khẩu nhiên liệu từ Ấn Ðộ. Trước đó, Ấn Ðộ hôm 13-1 đã gia hạn cơ sở hoán đổi tiền tệ trong khuôn khổ Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á trị giá 400 triệu USD và hoãn thanh toán 515 triệu USD cho Liên minh thanh toán bù trừ châu Á trong 2 tháng để hỗ trợ Sri Lanka.

Ðặc biệt, Tổng thống Rajapaksa trong cuộc gặp Ngoại trưởng Vương Nghị hôm 9-1 đã yêu cầu Trung Quốc tái cơ cấu các khoản vay và cho phép Colombo tiếp cận các khoản vay ưu đãi để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Ðổi lại, Sri Lanka hứa sẽ nới lỏng các hạn chế đi lại liên quan đến COVID-19 đối với du khách Trung Quốc, nguồn khách du lịch lớn thứ 2 của quốc đảo này. Hiện Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, Colombo nợ Bắc Kinh hơn 5 tỉ USD trong tổng số 35 tỉ USD nợ nước ngoài.

Nợ quốc gia của Sri Lanka tăng từ 85% GDP năm 2019 lên 104% GDP (81 tỉ USD) năm 2021. Ngoài nguồn thu du lịch hơn 4 tỉ USD gần như bị “mất trắng”, lượng kiều hối tại nước này hồi năm ngoái giảm 22,7%, từ 7,19 tỉ USD xuống còn 5,49 tỉ USD. 

HOÀNG NAM (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết