12/10/2022 - 11:12

Sốt xuất huyết, tay chân miệng tiếp tục diễn biến phức tạp 

Trong 9 tháng năm 2022, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, có 15 bệnh truyền nhiễm tăng so với cùng kỳ 2021. Trong đó đáng lưu ý là sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) tăng rất cao so với cùng kỳ 2021 và dự báo còn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bệnh truyền nhiễm tăng

Kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ chứa nước. Ảnh: CTV

Kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ chứa nước. Ảnh: CTV.

Trong 9 tháng năm 2022, trên địa bàn TP Cần Thơ ghi nhận 15/44 bệnh truyền nhiễm được báo cáo có ca mắc. Trong đó: 9/15 bệnh có số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2021, gồm: COVID-19, SXH, TCM, Adeno, Lao, viêm gan A, viêm gan B, lỵ trực trùng và viêm gan virus khác.

Với bệnh SXH, trong 9 tháng qua tại 20 khu vực phía Nam ghi nhận 185.652 ca mắc, 123 ca tử vong. Riêng TP Cần Thơ 4.954 ca, không có ca tử vong. Số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố tăng mạnh từ tháng 4 đến tháng 8 và có xu hướng giảm vào tháng 9. Toàn thành phố có 336 ổ dịch SXH, tăng 284 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong quý III, số ổ dịch SXH chiếm hơn một nửa (53,27%).

CDC Cần Thơ dự báo trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12, số ca mắc có dấu hiệu giảm so với 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, số ca mắc vẫn vượt ngưỡng và nằm trong mức dự báo dịch. Các phường, xã có nguy cơ cao gồm: An Khánh; Hưng Lợi; An Hòa; An Thới. Phường, xã có nguy cơ: Xuân Khánh; Tân Hưng; Thới Thuận; Thuận An; Trung Kiên; Trung Thạnh; Thạnh Phú; Châu Văn Liêm; Long Hưng; Thới An. Các địa phương có nguy cơ cao, nguy cơ, cần phải đẩy mạnh công tác can thiệp như: Lập kế hoạch phun hóa chất diện rộng, triển khai xử lý lăng quăng tại điểm nguy cơ trên địa bàn. Tổ chức truyền thông phòng, chống SXH. Tăng cường giám sát, chỉ đạo tuyến những phường, xã có số ca mắc cao và đang can thiệp xử lý dịch ở địa bàn.

Về bệnh TCM, số ca mắc trên địa bàn thành phố là 1.726 ca, tăng 616 ca so với cùng kỳ 2021, chủ yếu ở nhóm dưới 5 tuổi. Không có ca tử vong do TCM. Số ca nặng (TCM độ 2b, độ 3) giảm so với cùng kỳ năm 2021. Số ca TCM tăng cao từ tháng 5, 6 và có dấu hiệu giảm từ tháng 7. CDC Cần Thơ dự báo số ca mắc TCM có thể tăng trở lại bắt đầu từ tháng 10, khi các cháu học tập trung tại trường. Vì vậy cần tăng cường công tác phối hợp với ngành Giáo dục thường xuyên tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cho thầy cô và phụ huynh. Triển khai các hoạt động tuyên truyền, truyền thông các biện pháp phòng, chống TCM cho người dân tại cộng đồng.

Các địa phương tập trung nhiều trường học, đặc biệt là các trường mầm non tại các quận, huyện như: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt, Cờ Đỏ… cần lập kế hoạch phối hợp với phòng giáo dục tổ chức các lớp tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh TCM đến các giáo viên, phụ huynh và học sinh để phòng tránh lây nhiễm tại trường học và cộng đồng.

Cũng trong 9 tháng năm 2022, thành phố ghi nhận 8.556 ca mắc COVID-19; 372 ca tử vong. Số ca mắc, tử vong tập trung trong 4 tháng đầu năm. Để đánh giá tình hình nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, Cần Thơ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng. Kết quả: tính đến ngày 3-10-2022, tổng mẫu được lấy: 8.023 mẫu, trong đó 285 mẫu dương tính (3,6%). Sắp tới, Cần Thơ có 1 dự án, sẽ lấy mẫu xét nghiệm trong trường học, chợ, nhân viên y tế...

Cảnh giác với Adeno, đậu mùa khỉ

Theo BS Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC Cần Thơ, với SXH, CDC sẽ tiếp tục giám sát hỗ trợ tại các địa phương có nguy cơ cao và nguy cơ. Đồng thời tham mưu cho lãnh đạo các cấp củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch; đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng bệnh cho người dân. Tăng cường chỉ đạo giám sát, kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ tuyến dưới. Tổ chức đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho các tuyến. Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chủ động trong trường học. Đặc biệt là phòng, chống COVID-19, SXH, TCM… Tăng cường giám sát ca bệnh, phát hiện sớm vùng nguy cơ, bao vây và dập dịch kịp thời không để dịch bùng phát. Tổ chức các đợt chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH dựa vào cộng đồng; chiến dịch tổng vệ sinh làm sạch môi trường các xã, phường nguy cơ và kết hợp phun hóa chất diện rộng.

Trong tháng 10-2022, CDC Cần Thơ phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra y tế trường học. Với bệnh TCM, ca bệnh tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là dưới 3 tuổi, vì thế các trạm y tế lồng ghép truyền thông về bệnh TCM cho các bà mẹ, người thân của trẻ tại các buổi tiêm chủng ở trạm y tế.

Với bệnh đậu mùa khỉ, đây là bệnh lạ nhưng tương đối khó lây, lưu ý có triệu chứng mới lây nên chủ động phòng ngừa được. Adeno virus vốn là bệnh có từ lâu, ở thể nhẹ có thể tự khỏi. Bệnh có thể diễn biến nặng ở người có bệnh lý nền... Người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.

H.HOA

Chia sẻ bài viết