|
Những cụ bà trong câu lạc bộ “Yarn Alive” |
Cứ mỗi thứ ba hàng tuần, tại một ngôi làng đánh cá bị sóng thần tàn phá hồi tháng 3 năm rồi, các thành viên câu lạc bộ đan len “Yarn Alive” đều tập hợp đầy đủ. Câu lạc bộ này được thành lập nhằm hỗ trợ một số ít trong hàng ngàn người cao tuổi Nhật Bản vô gia cư sau thảm họa kinh hoàng cách đây đúng một năm (11-3-2011). Nhật báo Phố Wall của Mỹ trong bài có tựa đề “Người già ở Nhật Bản đan chốn an toàn” đã gọi đó là “Sợi chỉ vẫn sống” theo đúng nghĩa tiếng Anh của câu lạc bộ này.
Trong một căn phòng được trang trí bằng những con sếu dựa trên nghệ thuật xếp giấy của người Nhật, các thành viên câu lạc bộ say mê ngồi đan hàng giờ với các loại sợi được các nhà hảo tâm từ Úc, Scotland, Hàn Quốc và một nhà thờ ở Cuyahoga Falls, bang Ohio (Mỹ) trao tặng. Trong những ngôi nhà tiền chế tại khu vực sân bóng, họ râm rang trao đổi các thủ thuật về các mũi đan xoắn cho những chiếc áo len giữ ấm khi cái lạnh đang tràn về.
“Yarn Alive” được biết đến như một mô hình thu nhỏ của những khó khăn trắc trở mà một số nạn nhân trận sóng thần phải đối mặt trong việc hồi phục từ thảm họa. Trong số 326.000 người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất sau thiên tai vẫn còn phải sống trong những căn nhà tạm bợ, nhiều người trên 65 tuổi; và ở vài thành phố, con số này lên đến trên 30%.
Nhật Bản có một cơ quan chuyên lập hồ sơ theo dõi nhằm hỗ trợ nạn nhân bị thiên tai là người cao tuổi. Trong 5 năm sau trận động đất kinh hoàng tại thành phố Kobe năm 1995, khoảng 233 người sống một mình trong những căn nhà tạm bợ đã qua đời và vài người trong số đó chết nhiều ngày rồi mới có người phát hiện. Rút ra bài học từ trận đông đất tại Kobe, vì vậy, sau trận động đất hồi tháng 3 năm rồi, Chính phủ Nhật Bản đã chi ra một số tiền lớn nhằm hỗ trợ cho những người sơ tán đang sống trong các ngôi nhà tạm bợ. Số tiền này lên đến 70 triệu USD. Ngoài ra, các tình nguyện viên cũng tổ chức các chương trình khác nhau mà “Yarn Alive” là một ví dụ điển hình.
Trên thực tế, nhiều người trong số 20 thành viên của “Yarn Alive” hầu như chưa từng biết nhau, nhưng sau thảm họa, họ đã đến với nhau và thành lập nên câu lạc bộ. Trong số họ, có người là nông dân, có người là nhân viên của một nhà máy nhiệt điện đã nghỉ hưu, có người là chủ sở hữu của các tiệm làm tóc... Nhưng tất cả đều là nạn nhân của thiên tai, đều trải qua những đau đớn, vật vã vì mất người thân, nhà cửa.
Thị trấn Shichigahama được biết đến với những món ngon làm từ rong biển khô và một bờ biển nên thơ. Thật không may, cơn sóng thần hung bạo đã quét sạch 1/3 thị trấn cũng như giết chết nền kinh tế của nơi đây, hậu quả là hơn 2.000 cư dân của thị trấn nhỏ chưa tới 20.000 người phải sống trong những căn nhà tạm bợ.
Được biết, công việc đan len này là ý tưởng của bà Teddy Sawka, một tín đồ Thiên chúa giáo, 64 tuổi và đã sống ở Shichigahama gần nửa thế kỷ. Bà muốn giúp đỡ những người tản cư bằng chính công việc đan len này. Một điều đáng mừng là tất cả thành viên trong câu lạc bộ ai ai cũng có vẻ rất hứng thú với công việc mới. Sau một vài tháng, câu lạc bộ đan len của bà đã có sự thay đổi rõ rệt, tình cảm của mọi người trở nên khắn khít hơn và một điều đáng chú ý là khoảng một nửa trong số họ đã gặp nhau mỗi ngày.
Các thành viên trong câu lạc bộ này mỗi người mỗi cảnh khác nhau. Ai cũng đã phải trải qua thời kỳ khó khăn nhất sau trận sóng thần, nhưng trong họ đều có điểm chung là niềm khát vọng xây dựng lại cuộc sống.
Điển hình là trường hợp của bà Kasya. Giống như nhiều người di cư khác, bà luôn tin rằng trong tương lai gần bà sẽ cất được một ngôi nhà nhỏ trên mảnh đất với diện tích vỏn vẹn chỉ hơn 64 m2 tại khu thể thao Daiichi. Trước khi trận sóng thần ập đến, bà chủ yếu dựa vào cửa hàng tạp hóa của mình để kiếm sống qua ngày nhưng thật không may nó đã bị cuốn trôi chỉ trong chớp mắt. Ngôi nhà bà từng ở không có bảo hiểm và lương hưu chính phủ cấp chỉ khoảng 560 USD/tháng nên không đủ để bà mua một căn nhà mới. Từ khi vào câu lạc bộ “Yarn Alive” đến nay, bà đã dành dụm được thêm 2.000 USD từ công việc đan và bán những chiếc áo len.
Ngoài trường hợp của bà Kasya, còn rất nhiều gia đình khác cũng có hoàn cảnh tương tự và họ đều có chung khát khao, một hoài bão vươn tới một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Mong rằng những khát khao, những hoài bão ấy có thể giúp họ vượt lên những trở ngại, những thử thách và có một ngày mai yên bình.
QUỐC NGHĨA
(Theo Wall Street Journal)