25/02/2023 - 09:18

Số lượng nghị sĩ nữ trên thế giới ngày một đông hơn 

Năm 2022 đánh dấu nhiều tiến bộ hơn đối với nữ giới trong lĩnh vực chính trị, với số nữ đại biểu trong cơ quan lập pháp ở một số nước đang ngày càng đông, thậm chí vượt trội hơn phái nam.

Quốc hội New Zealand với phần đông là nữ giới. Ảnh: Parliament.nz

Theo dữ liệu tháng 11-2022 từ Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), số quốc gia có tỷ lệ phụ nữ trong quốc hội ngang bằng hoặc nhiều hơn nam giới đã tăng gấp đôi - từ 3 nước vào năm 2020 lên 6 nước. 

Tháng 10-2022 đã ghi nhận một thắng lợi đáng chú ý của phụ nữ New Zealand, khi bà Soraya Peke-Mason thuộc đảng Lao động chính thức trở thành nghị sĩ, giúp nâng số lượng đại diện nữ trong quốc hội nước này lên 60 người (chiếm 50,4%) so với 59 nghị sĩ nam. Cột mốc quan trọng này giúp New Zealand lọt vào nhóm 6 quốc gia trên thế giới có ít nhất 50% đại diện nữ trong quốc hội, cùng với Cuba, Mexico, Nicaragua, Rwanda và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Trong đó, New Zealand, Rwanda, Cuba và Nicaragua là 4 nước có số nghị sĩ nữ nhiều hơn nghị sĩ nam.   

Thực ra, lịch sử của xứ sở kiwi đã in đậm dấu ấn tham gia chính trị của phụ nữ. Năm 1893, nước này trở thành quốc gia tự trị đầu tiên cho phép phụ nữ bỏ phiếu. Thủ tướng vừa từ nhiệm Jacinda Ardern là nữ lãnh đạo thứ ba của New Zealand và một số vị trí quyền lực ở nước này hiện cũng do phụ nữ nắm giữ, điển hình như Thẩm phán Tòa án Tối cao Helen Winkelmann và Toàn quyền Cindy Kiro.

Trong khi đó, sở dĩ Cuba có tỷ lệ nữ nghị sĩ cao hơn nghị sĩ nam được cho là nhờ vào thành quả của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa năm 1959. Liên Hiệp Quốc nhận định tuy Cuba còn nhiều việc phải làm để đạt được bình đẳng giới, nhưng nước này đã có những tiến bộ nhất định về nữ quyền. Như trong một cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 1-2002, người dân Cuba đã chấp thuận hôn nhân đồng giới và tăng thêm quyền lợi cho phụ nữ. Còn tại Nicaragua, sau cuộc tổng tuyển cử năm 2021, số nghị sĩ nữ tham gia vào quốc hội đã nhiều hơn nam giới, mở ra hy vọng cải thiện hơn nữa quyền của phụ nữ và bình đẳng giới ở nước này.

Trên toàn cầu, IPU cho biết tỷ lệ nghị sĩ nữ hiện nay là 26%. Tuy nhiên, không có cường quốc nào thuộc Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) lọt vào tốp 30 nước đứng đầu bảng xếp hạng của IPU về số nghị sĩ nữ. Tiến bộ nhất là Pháp - đứng thứ 36 với 37,3% nữ nghị sĩ, tiếp theo là Ðức xếp thứ 44 với 34,9%, Anh xếp thứ 45 với 34,7%, Ý xếp thứ 56 với 32,3% và Canada xếp thứ 62 với 30,5%. Mặc dù số nữ nghị sĩ đã tăng kỷ lục sau kỳ bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ năm 2022, nhưng Mỹ hiện xếp thứ 73 về tỷ lệ dân biểu nữ, đồng hạng với Litva (28,4%). Những số liệu thống kê trên cho thấy tiến độ thúc đẩy nữ quyền vẫn đang được thực hiện chậm.

Dữ liệu từ Chỉ số Khoảng cách Giới tính Toàn cầu năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy, tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí bộ trưởng trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2006-2022, từ 9,9% lên 16,1%. Các quốc gia có tỷ lệ nữ bộ trưởng cao nhất là Bỉ (57,1%), Nicaragua (58,8%) và Thụy Ðiển (57,1%). Dù vậy, báo cáo cũng cho thấy mặc dù tiến trình hướng tới bình đẳng giới có tiến bộ trong một số lĩnh vực, nhưng nhìn chung còn chậm do các nhà lãnh đạo đang bận lo giải quyết những thách thức ngày càng tăng ở lĩnh vực kinh tế và chính trị.

Chia sẻ bài viết