Các đại biểu tham dự hội thảo
(CTO) - Ngày 8-7, tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND TP Cần Thơ và Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) tổ chức hội thảo "Sơ kết mô hình thí điểm thực hiện Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại TP Cần Thơ” nhằm báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện mô hình canh tác lúa theo quy trình kỹ thuật của Đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Thu hoạch lúa kết hợp thu gom rơm tại "Mô hình thí điểm thực hiện Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại TP Cần Thơ".
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cùng đại diện lãnh đạo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT, lãnh đạo các viện, trường, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các đại biểu quốc tế, cùng đông đảo bà con nông dân... tham dự hội thảo.
Thu hoạch lúa bằng máy gặp đập liên hợp tại "Mô hình thí điểm thực hiện Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại TP Cần Thơ".
Từ vụ hè thu 2024, Bộ NN&PTNT đã phối hợp Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cùng với IRRI và các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan thí điểm mô hình thực hiện Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trường xanh vùng ĐBSCL, với diện tích 50ha tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tiến Thuận ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh. Đây cũng là mô hình thí điểm được triển khai đầu tiên tại ĐBSCL, với sự hỗ trợ cung cấp các thiết bị công nghệ, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm của 3 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Công ty TNHH MTV Tư Sang, Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật.
Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật cùng HTX nông nghiệp Tiến Thuận ký kết hợp đồng mua bán lúa cho 3 vụ lúa liên tiếp gồm hè thu, thu đông 2024 và đông xuân 2024-2025.
Mô hình hướng đến mục tiêu thúc đẩy cơ giới hóa trong gieo sạ, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính theo các tiêu chí của Đề án. Qua kết quả thống kê, đánh giá bước đầu của các cơ quan chức năng cho thấy, mô hình giúp mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế và môi trường. Mô hình đã đáp ứng các tiêu chí về sử dụng giống xác nhận, áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ, áp dụng bón phân chuyên biệt, sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân bón, áp dụng IPM quản lý bảo vệ thực vật và tạo điều kiện cây lúa khỏe, ít sâu bệnh và đổ ngã. Đồng thời, áp dụng đồng bộ nhiều loại máy móc cơ giới trong quá trình sản xuất, thu hoạch lúa và thu gom rơm ra khỏi đồng để trồng nấm và làm phân bón hữu cơ... Qua đó, các diện tích lúa tham gia mô hình đã giảm được nhiều chi phí đầu vào như: giảm lượng sử dụng giống khoảng 50%, giảm phân bón 20-30% và giúp giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, trong khi năng suất lúa tăng ít nhất khoảng 7% và nông dân cũng có thêm thu nhập từ việc khai thác rơm và có thể giảm được phát thải khí nhà kính từ 2-6 tấn CO2/ha. Thu nhập của nông dân trong mô hình có thể tăng thêm từ 1,3-6,2 triệu đồng/ha....
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh, mô hình thí điểm được thực hiện với diện tích 50ha tại HTX Tiến Thuận trong vụ hè thu 2024 đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Đề án. Mô hình đã mang lại nhiều kết quả cụ thể, thiết thực như: giúp nông dân giảm giống, giảm lượng sử dụng phân bón, nước tưới và giảm rủi ro về dịch bệnh, hạn chế lúa bị đổ ngã và giảm tổn thất sau thu hoạch. Kết quả của mô hình này chính là nền tảng làm cơ sở để ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ nhân rộng trên toàn bộ các vùng tham gia thực hiện Đề án như đã cam kết với Bộ NN&PTNT. Cần Thơ rất mong nhận được các ý kiến đóng góp, chia sẻ của các đại biểu để TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh quy trình và nhân rộng mô hình...
Nhân dịp hội thảo, Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật cùng HTX nông nghiệp Tiến Thuận đã ký kết hợp đồng mua bán lúa cho 3 vụ lúa liên tiếp gồm hè thu, thu đông 2024 và đông xuân 2024-2025.
Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG