23/04/2013 - 21:36

Sóng lại dậy trên biển Hoa Đông

Vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông từng gây ra giai đoạn cực kỳ căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc hồi mùa hè năm ngoái đang có nguy cơ phủ bóng lên mối quan hệ chưa được cải thiện giữa hai nước lớn láng giềng châu Á.

Tàu Nhật-Trung cùng thể hiện chủ quyền

Trong cùng một buổi sáng ngày 23-4, một đội tàu cắm cờ Nhật Bản gồm 10 chiếc chở theo hơn 80 nhà hoạt động chủ quyền lãnh hải đã đến khu vực gần quần đảo Senkaku, còn 8 tàu ngư chính của Trung Quốc nằm cách đó khoảng 20km.

Tàu ngư chính Trung Quốc và tàu tuần duyên Nhật Bản so kè nhau tại khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sáng 23-4. Ảnh: Reuters 

Những người Nhật trên thuộc nhóm Ganbare Nippon (tạm dịch Hãy đứng vững, Nhật Bản), không có quan hệ chính thức với bất kỳ đảng phái nào nhưng từng tỏ thái độ ủng hộ Thủ tướng Shinzo Abe trong chính sách kiên quyết bảo vệ chủ quyền hải đảo trước đối thủ Trung Quốc. Khoảng 10 thành viên của nhóm này đã từng leo lên một trong 5 hòn đảo ở Senkaku, gây ra sự phản ứng dữ dội của Bắc Kinh hồi năm ngoái. Lần này sẽ không có ai leo lên đảo, nhưng theo trưởng nhóm Satoru Mizushima, tất cả những người có mặt tại Senkaku "là để khẳng định chủ quyền quần đảo và thăm dò nguồn lợi thủy sản nhằm chứng minh rằng ngư dân Nhật Bản thật sự có thể đến nơi đây mưu sinh". Có tổng cộng 13 tàu tuần duyên của Chính phủ Nhật Bản vây quanh đội tàu dân sự này nhằm ngăn chặn khả năng các nhà hoạt động vi phạm lệnh cấm cập bờ lên đảo.

Cùng lúc đó, Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản phát hiện có 8 tàu ngư chính Trung Quốc vào vùng biển cách một hòn đảo ở Senkaku khoảng 20km mà Tokyo tuyên bố chủ quyền. Trên trang web của mình, Cục Ngư chính Trung Quốc thậm chí cho biết họ đưa tổng cộng 11 tàu ngư chính đến Điếu Ngư như là "hoạt động tuần tra thường kỳ". Chưa bao giờ Trung Quốc cử một lượng tàu đông đúc đến Senkaku/Điếu Ngư trong một ngày như vậy kể từ khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo này hồi tháng 9-2012, theo hãng tin Reuters.

Trong khi đó, phát biểu trong cuộc họp báo tại Tokyo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh "hành vi xâm phạm lãnh hải thường xuyên của tàu ngư chính Trung Quốc là cực kỳ đáng trách và không thể chấp nhận. Trong bất kỳ trường hợp nào, quần đảo Senkaku là lãnh thổ riêng của Nhật Bản". Tuy nhiên, không có cảnh rượt đuổi được mô tả là "mèo vờn chuột", kể cả bằng chiến đấu cơ, như đã xảy ra liên tục hồi năm ngoái xung quanh quần đảo này. Ông Suga tuyên bố: "Chúng tôi nghiêm khắc phản đối Trung Quốc qua các kênh ngoại giao và yêu cầu tàu của họ rời khỏi vùng biển của chúng tôi ngay lập tức".

Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu Đại sứ Trung Quốc và trao công hàm phản đối hành động xâm nhập của tàu ngư chính nước này tại Senkaku.

Mạnh mẽ hơn, phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Abe cảnh báo nước này sẽ "trục xuất bằng vũ lực" bất kỳ người Trung Quốc nào có ý định xâm phạm lãnh hải và lên đảo. "Chúng ta sẽ ra đòn quyết định chống lại bất kỳ hành vi xâm lấn hải đảo. Chúng ta hiển nhiên là phải trục xuất bằng sức mạnh nếu người Trung Quốc làm thế", ông Abe tuyên bố.

Phát sinh căng thẳng kiểu "cũ mà mới"

Đền Yasukuni tại Tokyo một lần nữa tạo nên làn sóng chỉ trích từ Trung Quốc khi nhiều quan chức cấp cao chính phủ và hàng loạt các nhà lập pháp Nhật Bản đến viếng từ hôm 21-4 đến ngày 23-4. Sau động thái "gởi hoa thành kính" của Thủ tướng Abe và chuyến thăm Yasukuni của Phó Thủ tướng Taro Aso cùng hai bộ trưởng khác, có ít nhất 168 nghị sĩ Nhật Bản đến viếng đền đang "vinh danh" 14 tội phạm Chiến tranh Thế giới Thứ hai ngày 23-4, con số hơn gấp đôi so với mấy lần gần đây trong dịp lễ hội truyền thống mùa xuân. Người đứng đầu nhóm nghị sĩ này lại là thành viên đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, ông Hidehisa Otsuji.

Tân Hoa Xã cho rằng chuyến thăm đền Yasukuni của các lập pháp Nhật Bản chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm các mối quan hệ đang còn căng thẳng giữa Nhật Bản và các nước châu Á láng giềng. "Các nhà chính trị Nhật Bản nên nhớ là chỉ khi nào nước này đối mặt với quá khứ xâm lược đáng xấu hổ thì họ mới có thể đón nhận được một tương lai tươi sáng hơn"- Tân Hoa Xã viết.

Theo giới phân tích, việc thăm đền Yasukuni của các chính khách đương chức Nhật Bản dù là chuyện "năm nào cũng thấy", nhưng nay được thể hiện một cách có chủ ý trong bối cảnh tranh chấp hải đảo tỏ ra không khoan nhượng. Phó Chủ tịch LDP Masahiko Komura đã quyết định hủy bỏ kế hoạch đi thăm Trung Quốc vào đầu tháng 5, dù phủ nhận nó có liên quan đến vấn đề đền Yasukuni.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết