Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đang tạo cơ hội cho Serbia tiếp tục thúc đẩy chính sách thay thế Nga bằng Trung Quốc trong vai trò đối tác quan trọng nhất ngoài phương Tây.
Thật ra, ít nhất là kể từ năm 2020 và vào thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Serbia đã dần thay thế Nga bằng Trung Quốc trong tư cách đối tác chủ chốt ngoài phương Tây. Ðể tỏ lòng biết ơn về viện trợ y tế của Bắc Kinh, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic thậm chí từng hôn lá cờ Trung Quốc, trong khi viện trợ y tế của Nga dành cho nước này lại không được chào đón một cách nhiệt tình như vậy.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (phải) trong cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 10 năm ngoái. Ảnh: AP
Tình tiết trên cho thấy Bắc Kinh sở hữu nguồn lực mà Mát-xcơ-va không có và phơi bày mối ngờ vực tiềm ẩn giữa Serbia và Nga. Trong khi Nga cho rằng Serbia sử dụng nước này để làm đòn bẩy với phương Tây, Belgrade lại lo ngại Mát-xcơ-va bán rẻ nước này cho phương Tây với "giá hời". Bất chấp những nghi ngờ về nhau, Serbia và Nga vẫn có nhiều lợi ích chung. Thế nhưng, hành động quân sự của Nga ở Ukraine đã làm thay đổi cách tiếp cận của Serbia đối với Nga và khiến Belgrade trở nên thân thiết hơn với Bắc Kinh.
Trước đó, tại Ðại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, Belgrade còn bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án việc Nga tấn công Ukraine và ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Kiev.
Nhận mức đầu tư "khủng" từ Trung Quốc
Tính đến cuối năm ngoái, đầu tư của Trung Quốc vào Serbia là hơn 3 tỉ euro, trong khi các khoản cho vay phát triển cơ sở hạ tầng vượt 8 tỉ euro.
Trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh mới đây, Tổng thống Vucic đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình để tôn vinh tình hữu nghị "sắt son" giữa 2 nước. Và khi trở về nước, nhà lãnh đạo Serbia tuyên bố rằng đến cuối năm nay, chính phủ 2 nước sẽ ký một hiệp định thương mại tự do nhằm nâng kim ngạch thương mại song phương lên 8 tỉ USD/năm và sau đó là 10 tỉ USD/năm. Hai nước cũng có kế hoạch mở đường bay từ Belgrade đến Thượng Hải và Bắc Kinh.
Ðáng chú ý, Chính phủ Serbia cùng với Phòng Thương mại Serbia và Ðại học Novi Sad còn thành lập Viện "Vành đai, Con đường" nhằm thúc đẩy sự hợp tác với Trung Quốc. Trong hội nghị đầu tiên do đơn vị này tổ chức, Bộ trưởng Xây dựng, Giao thông và Cơ sở hạ tầng Serbia Tomislav Momirovic đã khoe về những tuyến đường bộ và đường sắt mà Chính phủ Serbia đang xây dựng với sự giúp đỡ của Trung Quốc. Ngay sau đó, Chính phủ Serbia còn ký một số hợp đồng với các công ty Trung Quốc để phát triển các dự án xây dựng. Theo đó, Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc sẽ xây dựng tuyến cao tốc dài 75km - một phần của dự án cao tốc nối thủ đô Belgrade với Nam Adriatic. Ngoài ra, cơ sở sản xuất vaccine của Tập đoàn Sinopharm dự kiến sẽ sớm hoàn thành ở Serbia, và Belgrade sẽ tiếp tục hợp tác với "gã khổng lồ" công nghệ Huawei trong tất cả các lĩnh vực, ngoại trừ mạng 5G.
Theo nghị quyết gần đây của Nghị viện châu Âu (EP), cơ quan này đặc biệt quan ngại về sự thiếu minh bạch trong đầu tư và các khoản cho vay của Trung Quốc, và tình trạng các nhà đầu tư, cho vay không tiến hành các đánh giá về tác động môi trường, xã hội. EP kêu gọi Serbia tăng cường các tiêu chuẩn tuân thủ pháp lý trong các hoạt động kinh doanh của Trung Quốc và cảnh báo rằng cách xử sự của Serbia đang phá hoại tiến trình nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU).