19/02/2020 - 08:43

Sẽ ra sao nếu ông Trump tái đắc cử? 

Ngoài các cuộc xung đột và điểm nóng trên thế giới, tính toán chiến lược cho bốn năm tới nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) tái đắc cử là vấn đề mà hầu hết đại biểu quan tâm khi dự Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 vừa khép lại tại Đức.

Có mặt tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cùng nhiều quan chức Nhà Trắng đồng loạt cảnh báo đồng minh lẫn đối tác về mối đe dọa tiềm năng từ Nga và Trung Quốc. Nhưng theo CNN, vấn đề được nhiều nhà lãnh đạo thế giới chia sẻ hiện nay là chính sách uyển chuyển phù hợp với tương lai ông Trump dẫn dắt nước Mỹ thêm 4 năm.

Tranh luận về những khác biệt giữa châu Âu và Mỹ dưới thời Tổng thống Trump dường như trở thành "thói quen" tại các diễn đàn thường niên mà hai bên cùng tham gia. Người  châu Âu nhìn nhận nước Mỹ nói chung và ông Trump nói riêng đang rút khỏi trật tự thế giới mà họ xây dựng sau Thế chiến thứ hai. Năm nay, cụm từ "mất tính phương Tây" (Westlessness) hay tầm ảnh hưởng phương Tây bị suy yếu được chọn làm nội dung chính và chủ đề bao trùm xuyên suốt hội nghị phần nào nói lên mâu thuẫn ngày càng sâu sắc trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại diễn đàn khẳng định lập luận về "cái chết" của liên minh Mỹ-châu Âu là "cường điệu". Thay vào đó, ông nói rằng không chỉ phương Tây mà tất cả đều đang "chiến thắng". Thông điệp trấn an tuy vậy không khiến nhiều người thay đổi suy nghĩ, rằng tầm nhìn thế giới của ông Trump vẫn đang gây ảnh hưởng và sẽ còn kéo dài bởi hầu hết đều tin tỉ phú New York tiếp tục nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa.

►Thế giới phân cực

Một trong 2 chính sách cứng rắn mà chính quyền Trump áp dụng và được quan tâm hiện nay là Iran và Trung Quốc. Theo chuyên gia các vấn đề toàn cầu Ian Bremmer, rất khó để cho rằng ông Trump giảm căng thẳng với Tehran trong nhiệm kỳ hai. Về phần Trung Quốc, giới quan sát cho rằng thế giới đang được báo trước cục diện chia thành phe "thân Mỹ" hoặc "thân Trung Quốc" khi Bộ trưởng Esper liên tục đề cập lo ngại của Washington trước "mối đe dọa" từ Bắc Kinh.

Theo các nhà phân tích, "chất xúc tác" cạnh tranh giữa hai cường quốc sẽ không còn về thương mại mà thay vào đó là công nghệ 5G của Huawei. Tổng thống Trump được cho rất tức giận khi các đồng minh chủ chốt như Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Canada và nhiều quốc gia Liên minh châu Âu (EU) gần đây nói rằng họ có thể cân nhắc tiếp tục sử dụng thiết bị của tập đoàn Trung Quốc trong một số lĩnh vực không nhạy cảm. Tuy đặc sứ Mỹ về chính sách viễn thông Robert Blair xác nhận Washington vẫn chia sẻ thông tin tình báo cốt lõi với đồng minh, nhưng mấu chốt gây mâu thuẫn vẫn là Mỹ không tin châu Âu hoặc bất kỳ quốc gia nào có thể tự bảo vệ mình khỏi sự do thám của Trung Quốc.

►Nguy cơ trở về thời Chiến tranh Lạnh

Thế giới trong 30 năm qua được nhìn nhận đã ít chia rẽ hơn kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhưng việc ông Trump tiếp tục lãnh đạo Mỹ được dự đoán thay đổi điều này. Ngay chính đồng minh, đối tác của Washington cũng đang vật lộn với những lựa chọn khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây giữa tiếp tục ủng hộ Mỹ hoặc lựa chọn tin tưởng khả năng Trung Quốc thay đổi hành vi.

Đối với ai nghĩ rằng ứng viên đảng Dân chủ làm tổng thống có thể làm nên sự khác biệt, chuyên gia Bremmer cảnh báo chủ nghĩa cô lập không phải mới khởi phát dưới thời ông Trump mà thực tế đã bắt đầu từ người tiền nhiệm Barack Obama (chính sách ở Trung Đông là một ví dụ) và sự thay đổi sẽ tiếp tục với những chính quyền sau này. Do đó, chủ nhân Nhà Trắng sau ngày bầu cử 3-11 dù là người Cộng hòa hay Dân chủ, giới quan sát cho rằng thế giới có thể nhìn thấy nước Mỹ không còn đặt phương Tây vào trọng tâm như trước. Thậm chí nhìn vào cách ông Trump "trả đũa" khi được tha bổng sau phiên tòa luận tội, nhiều người nói rằng châu Âu đang thấp thỏm quan sát khả năng chủ nhân Nhà Trắng đáp trả những đồng minh bất đồng quan điểm trước nay.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết