24/02/2012 - 15:02

Say mê nghiên cứu, sáng tạo phục vụ bệnh nhân

Bác sĩ Trần Hiếu Nghĩa đang thăm khám cho bệnh nhân.

Trong Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật năm 2010-2011, giải pháp “Kỹ thuật đặt thông JJ lưu trong phẫu thuật nội soi sau phúc mạc bằng dụng cụ cải tiến” đã gây ấn tượng với ban giám khảo và các bác sĩ bởi dụng cụ cải tiến an toàn, dễ thao tác, hiệu quả và chi phí thấp. Giải pháp này đạt giải nhì của hội thi đồng thời được chọn là 1 trong 6 giải pháp tham gia hội thi toàn quốc...

Tác giả giải pháp “Kỹ thuật đặt thông JJ lưu trong phẫu thuật nội soi sau phúc mạc bằng dụng cụ cải tiến” là bác sĩ Trần Hiếu Nghĩa, công tác tại Khoa Ngoại niệu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Hôm chúng tôi đến Khoa Ngoại niệu, bác sĩ Nghĩa đang thăm khám cho một bệnh nhân vừa phẫu thuật nội soi điều trị sỏi thận bằng kỹ thuật này (thông JJ là một loại ống thông giúp cho nước tiểu thoát lưu qua khỏi chỗ hẹp xuống bàng quang dễ dàng). Bác sĩ Nghĩa ân cần hỏi thăm sức khỏe và hướng dẫn bệnh nhân cách sinh hoạt, ăn uống... Bác sĩ Nghĩa cho biết: “Dụng cụ cải tiến giúp cho bác sĩ có thể đặt thông JJ trong phẫu thuật nội soi sau phúc mạc ở mọi vị trí từ bể thận tới niệu quản chậu trong điều trị bệnh lý đường tiết niệu (trước đây chưa có). Dụng cụ cải tiến này tiết kiệm chi phí điều trị (trung bình tiết kiệm khoảng 645.000đồng/bệnh nhân) và rút ngắn được thời gian đặt thông JJ hơn giải pháp cũ, giảm thời gian phẫu thuật, thở thuốc mê và nhất là giảm đau cho bệnh nhân”.

Còn nhớ, vào khoảng giữa năm 2008, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ nhận chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật lấy sỏi niệu quản lưng qua ngả nội soi sau phúc mạc từ các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau thời gian này, ngoài phẫu thuật lấy sỏi niệu quản lưng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ còn thực hiện nhiều ca phẫu thuật khó hơn qua nội soi sau phúc mạc như: Lấy sỏi niệu quản chậu, sỏi thận, tạo hình khúc nối bể thận niệu quản, tạo hình niệu quản... Trong đó, nhiều trường hợp cần được đặt thông JJ.

Tuy nhiên, việc đặt thông JJ bằng dây guide-wire (một dây dẫn làm bằng kim loại dài 1,5m, một đầu mềm, một đầu cứng, bên ngoài được bao phủ một lớp nhựa) quá khó khăn, bác sĩ mất nhiều thời gian, bệnh nhân cũng tốn kém. Mặt khác, không thể đặt thông JJ ở niệu quản được. Bác sĩ Nghĩa kiên trì tìm giải pháp qua nghiên cứu các tài liệu, tìm dụng cụ để đặt thông JJ dễ hơn. Ban đầu, bác sĩ nghĩ đến thông nòng thông niệu quản, dùng guide-wire bằng sắt để khắc phục nhưng đều thất bại. Thất bại nhưng không nản lòng, suy nghĩ nhiều đêm, bác sĩ Nghĩa quyết định dùng guide-wire titanium để chế tạo dụng cụ. Chế tạo xong rồi tiếp tục suy nghĩ quy trình lắp đặt phù hợp để đưa vào ứng dụng trong điều trị cho bệnh nhân... Đến cuối năm 2008, dụng cụ hoàn chỉnh, đầu năm 2009 bắt đầu áp dụng tại bệnh viện và cuối năm 2009, báo cáo nghiệm thu cấp bệnh viện. Tháng 7-2010, báo cáo tại Hội nghị Niệu miền Nam và được nhiều bệnh viện nhận dụng cụ mẫu về áp dụng điều trị tại bệnh viện mình. Giải pháp này có thể áp dụng rộng rãi ở những bệnh viện có phẫu thuật nội soi sau phúc mạc điều trị bệnh lý đường tiết niệu như: sỏi thận, sỏi niệu quản, hẹp khúc nối bể thận niệu quản, hẹp niệu quản... Năm 2011, đề tài này được thành phố cấp kinh phí tiếp tục nghiên cứu đến 2013. Dụng cụ cải tiến này đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp Bằng khen và Huy hiệu Lao động sáng tạo năm 2010.

Dụng cụ cải tiến được phủ một đầu bằng polyvinyl acetate.

Ngoài đề tài này, năm 2011, bác sĩ Nghĩa còn làm chủ nhiệm đề tài “Khảo sát sót sỏi sau phẫu thuật mở điều trị sỏi thận tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ”. Ngoài đam mê nghiên cứu khoa học, bác sĩ Nghĩa còn thường xuyên tham gia các đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL cho các đối tượng chính sách, bà con nghèo vùng sâu, nạn nhân chất độc da cam không có điều kiện khám chữa bệnh. Không chỉ nhiệt tình khám, tư vấn cho bệnh nhân nghèo, bác sĩ Nghĩa còn vận động các mạnh thường quân tài trợ thuốc cũng như những phương tiện cần thiết cho công tác khám bệnh từ thiện như: áo blouse, áo đoàn thanh niên, máy đo huyết áp, banrol... và vận động các đoàn viên trong chi đoàn tham gia khám bệnh từ thiện, hiến máu tình nguyện...

Với những thành tích trên, bác sĩ Trần Hiếu Nghĩa vinh dự nhận Bằng khen của Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ, Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; 3 năm liền (năm 2009-2011) đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được Hội đồng thi đua khen thưởng bình chọn danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ. Năm 2012, bác sĩ Nghĩa đã đăng ký thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học mới và ý tưởng sáng tạo. Với một bác sĩ trẻ, mới ngoài 30 tuổi những thành tích trên của bác sĩ Hiếu Nghĩa thật đáng tự hào. Chia tay chúng tôi bác sĩ Nghĩa tâm tình: “Ngay từ nhỏ, tôi đã ao ước được trở thành bác sĩ và giờ đã thành sự thật. Tôi nghĩ rằng, khi xã hội càng tiến bộ, phát triển thì đồng thời có nhiều loại bệnh mới xuất hiện. Vì thế, muốn phục vụ tốt bệnh nhân, bác sĩ phải không ngừng học hỏi, sáng tạo để tìm ra nhiều phương pháp điều trị mới”.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết