Trong thông báo hôm 9-9, Saudi Arabia tuyên bố nước này đã đình chỉ mọi hình thức đối thoại với Qatar sau cáo buộc Doha “bóp méo sự thật” liên quan cuộc điện đàm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani (trái) và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: AFP
Trước đó, truyền thông 2 bên đồng loạt đưa tin về cuộc điện đàm hôm 8-9 giữa Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani nhằm thảo luận cuộc khủng hoảng vùng Vịnh.
Đây là lần đầu tiên hai bên chính thức liên lạc kể từ khi các nước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain cắt đứt quan hệ ngoại giao, thương mại với Qatar vào đầu tháng 6.
Đến ngày 22-6, nhóm 4 nước A-rập đưa ra yêu cầu 13 điểm đối với Qatar như điều kiện tiên quyết để dỡ bỏ bao vây cấm vận, trong đó gồm việc ngừng hoạt động hãng truyền thông Al Jazeera, hạn chế mối quan hệ với Iran và trục xuất lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar. Doha đã bác bỏ tất cả yêu cầu trên đồng thời tố các nước láng giềng xâm phạm chủ quyền Qatar.
Về cuộc điện đàm, hãng thông tấn nhà nước Qatar QNA cho biết cuộc gọi được chấp thuận theo sắp xếp của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong đó, Quốc vương Qatar lẫn Thái tử Saudi Arabia đều coi trọng phương hướng giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh thông qua đối thoại để đảm bảo tính thống nhất và ổn định của các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).
QNA còn cho biết, Quốc vương Qatar hoan nghênh đề nghị của Thái tử bin Salman cắt cử 2 đại sứ để giải quyết mâu thuẫn nhưng không ảnh hưởng đến chủ quyền của các nước.
Tuy nhiên, hãng tin nhà nước Saudi Arabia SPA ngược lại cho biết Quốc vương Qatar đã chủ động liên lạc với Thái tử bin Salman và bày tỏ mong muốn đối thoại cũng như thảo luận về yêu cầu của nhóm 4 nước A-rập nhằm đảm bảo lợi ích tất cả bên liên quan.
Về phần nội dung, SPA cho biết chi tiết sẽ được công bố sau khi Riyadh đạt được đồng thuận với UAE, Bahrain và Ai Cập. Trong thông báo thứ 2, Saudi Arabia lên tiếng phủ nhận báo cáo của QNA.
Trích nguồn tin từ một viên chức giấu tên thuộc Bộ ngoại giao Saudi Arabia, SPA khẳng định hãng thông tấn nhà nước Qatar đã “bóp méo sự thật”, qua đó tuyên bố Riyadh đình chỉ bất kỳ cuộc đối thoại hoặc kênh liên lạc với chính quyền Doha cho tới khi Qatar có tuyên bố công khai quan điểm rõ ràng.
Nỗ lực của ông Trump
Căng thẳng mới nhất diễn ra ngay sau khi Nhà Trắng phát thông báo cho biết Tổng thống Trump có các cuộc gọi riêng rẽ với Quốc vương Qatar, Thái tử Saudi Arabia và Thái tử UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan vào sáng 8-9. Trong đó, Tổng thống Trump nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo Vùng Vịnh rằng sự đoàn kết giữa các đồng minh A-rập là cần thiết để “thúc đẩy ổn định khu vực và chống lại mối đe dọa từ Iran”.
Trước đó, Tổng thống Trump hôm 7-9 còn có cuộc họp với Quốc vương Kuwait Sabah Al Ahmad Al Sabah tại Nhà Trắng. Phát biểu tại buổi họp báo chung, ông Trump cho biết Washington ủng hộ nỗ lực hòa giải của Kuwait đồng thời bày tỏ sẵn sàng làm trung gian giải quyết cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ giữa Qatar và các quốc gia A-rập.
Thậm chí, ông chủ Nhà Trắng còn lạc quan cho rằng các bên có thể nhanh chóng đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh các nước phải tuân theo cam kết từ Hội nghị thượng đỉnh Riyadh đánh bại chủ nghĩa khủng bố, cắt giảm tài trợ cho các nhóm khủng bố và chống lại hệ tư tưởng cực đoan.
Trong diễn biến khác, Lầu Năm Góc thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận thương vụ bán vũ khí trị giá hơn 3,8 tỉ USD cho Bahrain, bao gồm các máy bay chiến đấu F-16V, tên lửa, tàu tuần tra cùng các thiết bị nâng cấp phi đội hiện nay của nước này.
Hồi tháng 6-2017, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker tuyên bố ông sẽ ngăn chặn mọi thương vụ bán vũ khí cho các thành viên GCC, trong đó có Bahrain, cho tới khi những nước này đạt được tiến triển trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao với Qatar.
MAI QUYÊN