15/07/2022 - 22:43

Saudi Arabia bày tỏ thiện chí với Israel 

Saudi Arabia đã dỡ bỏ những hạn chế sử dụng không phận nước này cho tất cả các hãng hàng không, động thái cởi mở hơn đối với Israel trước thềm chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 15-7.

Sân bay quốc tế vua Khalid ở Saudi Arabia.

Sân bay quốc tế vua Khalid ở Saudi Arabia.

Cơ quan hàng không dân dụng Saudi Arabia (GACA) ngày 14-7 đã thông báo quyết định mở cửa không phận nước này cho tất cả các hãng hàng không đáp ứng yêu cầu bay của nhà chức trách địa phương. Điều đó đồng nghĩa những hạn chế đối với các chuyến bay đến và đi từ Israel thực sự được xóa bỏ. Theo GACA, đây là một trong những nỗ lực nhằm củng cố vị thế của quốc gia Trung Đông là một trung tâm toàn cầu kết nối 3 lục địa.

Theo thông báo từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã hoan nghênh “quyết định lịch sử” của Riyadh khi mở cửa không phận cho tất cả các hãng hàng không dân dụng. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng quyết định trên là kết quả của nỗ lực ngoại giao bền bỉ, có nguyên tắc của Tổng thống Biden với Saudi Arabia trong nhiều tháng.

Ông Biden đã đến Israel ngày 13-7, bắt đầu chuyến công du Trung Đông đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ. Sau đó, ông bay thẳng từ Israel tới Saudi Arabia, qua đó trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên bay thẳng từ Israel đến một quốc gia Arab chưa công nhận Nhà nước Do Thái. Người tiền nhiệm của ông Biden là cựu Tổng thống Donald Trump đã thực hiện lộ trình ngược lại vào năm 2017.

Những dấu hiệu tích cực

Ngoài quyết định ngày 14-7, Saudi Arabia còn có nhiều dấu hiệu khác được cho là hướng tới một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel.

Theo truyền thông nhà nước hồi tháng 3, Thái tử Mohammed bin Salman, người cai trị thực tế tại Saudi Arabia hiện nay, từng nhận xét Israel là “một đồng minh tiềm năng, với nhiều lợi ích mà chúng ta có thể cùng nhau theo đuổi”. Đất nước giàu dầu mỏ này cũng không cho thấy bất cứ sự phản đối nào khi đồng minh trong khu vực của Mỹ là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, do Washington làm trung gian, vào tháng 9-2020. Khi đó, Saudi Arabia cũng cho phép các chuyến bay trực tiếp từ UAE đến Israel thông qua không phận Saudi Arabia, một dấu hiệu ngầm cho thấy sự chấp thuận.

Trong những tháng gần đây, một số người dân Saudi Arabia đã lên mạng xã hội, môi trường bị kiểm soát gắt gao tại nước này, để thể hiện sự ủng hộ đối với việc bình thường hóa quan hệ với Israel. Việc bình thường hóa sẽ đánh dấu bước thay đổi trong chính sách của Saudi Arabia lâu nay vốn cô lập Israel cho đến khi cuộc xung đột giữa nước này với người Palestine được giải quyết. Trang tin Axios tháng rồi cho rằng Mỹ đang nghiên cứu về “một lộ trình” cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia - Israel, còn Nhật báo Phố Wall tiết lộ hai quốc gia có ảnh hưởng nhất trong khu vực đang tham gia các cuộc đàm phán bí mật về an ninh và kinh tế.

Vì lợi ích đôi bên

Chuyên gia Yasmine Farouk của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận định bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ giúp Saudi Arabia có được sự công nhận lớn hơn. “Điều này sẽ mở ra nhiều cánh cửa cho Thái tử Mohammed bin Salman, trong đó phương Tây chấp nhận Saudi Arabia, đồng thời trao cho vương quốc này vai trò lớn hơn”, bà Farouk nói. Quan hệ với Israel cũng sẽ thúc đẩy tầm nhìn của Thái tử, đưa đất nước trở thành một “cường quốc toàn cầu, chứ không chỉ là cường quốc Hồi giáo và Arab”.

Về phần mình, Israel muốn bình thường hóa không chỉ vì nó giúp mở cửa với Saudi Arabia mà còn với các quốc gia Hồi giáo và Arab - những nước có thể đang bí mật thảo luận với Israel nhưng chưa dám bình thường hóa. Saudi Arabia và Israel còn có “kẻ thù” chung là Iran, do vậy hai nước xích lại gần nhau dựa trên quan niệm “kẻ thù của kẻ thù là bạn”.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Israel Dan Shapiro hy vọng chuyến thăm của ông Biden sẽ tạo ra “một số bước đi quan trọng” hướng đến việc Saudi Arabia công nhận ngoại giao với Israel, “có thể không bình thường hóa hoàn toàn, nhưng mở ra lộ trình đi theo hướng đó”. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khó có chuyện Riyadh đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel nhân chuyến công du của Tổng thống Biden hoặc trong khi Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud, 86 tuổi, vẫn còn tại vị. Chính sách chính thức của Quốc vương Salman là không thiết lập hòa bình với Israel cho đến khi nước này rút khỏi những vùng lãnh thổ chiếm đóng và chấp nhận nhà nước Palestine.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết