04/08/2011 - 09:40

Sau nâng trần nợ công, kinh tế Mỹ vẫn khó

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 2-8
giảm điểm mạnh. Ảnh: AP

Dự luật nâng mức trần nợ công và cắt giảm chi tiêu tài chính của Mỹ đã lần lượt được Hạ viện, Thượng viện phê chuẩn và Tổng thống Barack Obama ký ban hành vài giờ trước thời hạn chót 2-8 (theo giờ địa phương). Tuy nhiên, trái với phản ứng tích cực ban đầu, thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới đã sụt giảm mạnh, báo hiệu thách thức mới không chỉ riêng cho nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

Phát biểu sau khi ký vào văn bản, Tổng thống Barack Obama tuyên bố nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của chính phủ và các nhà làm luật Mỹ sắp tới là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid cũng nhấn mạnh rằng “Công việc số một của Quốc hội là phải tạo ra việc làm cho người dân Mỹ”. Còn lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi thì khẳng định: “Chúng ta đã nói quá nhiều về nợ, giờ phải thảo luận về vấn đề việc làm”. Tuy nhiên, ông Obama đồng thời nêu rõ Nhà Trắng sẽ tiếp tục đưa vấn đề tăng thuế đối với người giàu và các doanh nghiệp lớn lên bàn thương thảo của Quốc hội nhằm làm giảm áp lực nợ nần và thâm hụt ngân sách trong tương lai.

Quả thật, có ý kiến cho rằng việc chính phủ cắt giảm mạnh chi tiêu sẽ khó kích thích nền kinh tế Mỹ hồi phục và vì thế không thể tạo ra được việc làm. Một báo cáo mới đây cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý hai vừa qua chỉ đạt 1,3%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao 9,2%. Việc tăng thuế trở lại đối với tầng lớp giàu có và các công ty lớn sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức mua và hoạt động kinh tế của đất nước. Nhưng đây sẽ là một cuộc chiến khó khăn và đầy may rủi đối với ông Obama trước mùa bầu cử năm 2012.

Thế nên, hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s tuy giữ chỉ số xếp hạng tín dụng của Mỹ ở mức AAA nhưng vẫn có cái nhìn tiêu cực đối với tương lai nợ công của nước này và hy vọng giới chính trị tại Washington sớm tìm ra các biện pháp nhằm tăng nguồn thu ngân sách. Nếu mức độ tín nhiệm nợ công của Mỹ tiếp tục suy giảm thì lãi suất của trái phiếu chính phủ sẽ tăng cao và nợ vay ngày càng lớn.

Những dự báo không lạc quan trên đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch cuối ngày 2-8 giảm mạnh, chẳng hạn chỉ số Dow Jones giảm tới 2,19%, Nasdaq 2,75%. Thị trường chứng khoán châu Âu như Pháp, Đức, Ý cũng có mức giảm tương tự. Thị trường chứng khoán châu Á như tại Tokyo, Thượng Hải, Hồng Công... sáng 3-8 giảm không dưới 2%.

Phản ứng xấu của thị trường chứng khoán trong vấn đề kinh tế và nợ công của Mỹ rõ ràng là một dấu hiệu đáng quan ngại cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt vẫn là tình hình nợ công ở châu Âu khi lãi suất trái phiếu tại Tây Ban Nha, Ý tăng ở mức kỷ lục ngày 2-8. Ủy ban châu Âu đã trấn an rằng họ chưa có bất kỳ kế hoạch cứu trợ nào đối với các nền kinh tế này vì tình hình chưa nguy cấp lắm và họ tin tưởng vào các biện pháp tài chính của mỗi nước.

PHÚC GIA AN (Tổng hợp)

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 2-8 giảm điểm mạnh. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết