09/09/2018 - 10:02

Sau cơn lũ 

Truyện ngắn: Hoàng Khánh Duy  

Buổi sáng, Bân đến quán đầu xóm nói dăm ba câu chuyện, nhanh tay giúp dì Hường nhặt lọn rau, bưng tô mắm chưng đặt lên bàn mấy người khách. Quán tuy nhỏ nhưng đông, hôm nọ dì Hường kêu Bân ở lại phụ dì một tay rồi dì trả công, cơm nước dì nuôi. Mấy ngày nay nhờ có Bân phụ chuyện quán xá, dì Hường mới được phút ngơi tay. Bân nhận tiền công từ dì Hường xong lại nhờ dì giữ dùm: “Gom chừng nào kha khá con lấy làm lộ phí đi tìm em con”.

Mỗi lần nhắc tới út Lộc là dì Hường lại thở dài. Dì nhìn qua hàng song tre, ngoài kia là dòng sông nước đỏ phù sa. Hai bên bờ xanh màu lá đước, những chiếc rễ cong vòng bao năm tháng níu nhau gìn giữ bờ đất. Ngày dì Hường về xóm dựng cái quán này mưu sinh, hai anh em Bân còn nhỏ xíu...

Người ta nói anh em Bân mồ côi, lớn lên bằng tình thương của ông lão ngoài bảy mươi tuổi sống bằng nghề đặt ống lươn trong rừng. Một đêm ông lão đi đặt ống lươn đến sáng vẫn chưa thấy về, hai anh em Bân hốt hoảng đi tìm. Bân cõng em băng qua con mương cạn queo, cá rô lội ruồng trong xác lá. Đi được một quãng thì Bân thấy trước mặt mình là một đầm nước phẳng lặng, xung quanh lau sậy mọc đầy. Không gian im ắng lạ thường, không một tiếng nói, không một tiếng cười, chỉ có tiếng chim ríu rít. Người trong xóm đoán ông lão đặt ống lươn đã bị sấu ăn giữa rừng. Anh em Bân từ đó sống lay lắt trong căn chòi lá giữa cánh đồng lồng lộng gió…

Nhớ tới đây dì Hường thở dài, hỏi: “Biết đi đâu mà tìm út Lộc hả Bân?”. Bân ngập ngừng một lúc rồi trả lời: “Bữa đó út Lộc nói dẫn đôi trâu đi tìm đồng cỏ bỏ bụng, rủi như tìm không gặp đồng cỏ nào thì nó len trâu lên tận xứ Bảy Núi. Không chừng nó lang bạt xứ Bảy Núi, dì hen?”. Dì Hường cười móm xọm: “Cái thằng khờ quá! Bảy Núi xa lắm con, tận trên An Giang lận...”.

Bân im lặng. Dì Hường cũng im lặng. Khách trong quán đã về gần hết, xuồng thưa dần dưới bến sông. Dì Hường dúi vào tay Bân mấy tờ tiền để dành phòng thân, rồi giục Bân mau mau lên đường đi tìm út Lộc, đừng chần chờ. Bân đành nhận, nghĩ bụng chừng nào tìm gặp út Lộc trở về hai anh em sẽ cố gắng làm lụng để trả lại món tiền ấy cho dì Hường và phụng dưỡng dì. Nợ bạc nợ tiền thì còn trả được, chứ nợ ân tình thì biết trả bao giờ cho hết.

***

Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ. Chiều muộn, út Lộc đang ngồi rửa chén sau chòi chợt nhìn thấy đàn mối bay ra khỏi tổ, bầu trời đục màu mỡ gà, út đoán chắc đêm nay trời mưa lớn. Út Lộc gọi Bân ra sân nhìn trời, rồi hai anh em ra bờ vơ thêm ôm cỏ tươi cho trâu ăn lót dạ. Hai con trâu, cả một gia tài. Ông lão đặt ống lươn hơn nửa đời người mới đủ tiền mua nổi đôi trâu. Hai anh em Bân, ông chia mỗi đứa một con, đến chừng lớn lên thì bán trâu lấy tiền cưới vợ, phần dư dả thì làm vốn liếng mần ăn. Ban đêm, út Lộc lấy cái mùng cũ giăng ngoài chuồng cho hai con trâu ngủ, út lấy thêm cỏ khô tấn xung quanh để chúng đỡ lạnh. Mưa lắc rắc, không chừng đêm nay nước dâng lên ngập hết ruộng đồng. Nghĩ đến cảnh đồng nước mênh mông, đất trời bạt ngàn, lòng Bân dờn dợn nỗi âu lo. Trời nhá nhem tối, út Lộc đứng vỗ vỗ vào lưng trâu mấy cái rồi đi vào trong chòi. Mưa lắc rắc trên mái lá. Gió giật từng cơn. Bân bước đến vặn ngọn đèn cao lên rồi ngồi nhìn màn đêm. Những giọt mưa trắng xóa nặng trĩu rơi trên mái chòi, nước lớn ngoài sông chảy ào ạt qua bờ đê, băng băng qua ruộng đồng, chẳng mấy chốc mà nước đã lép xép nền chòi. Út Lộc nhìn anh, nói khẽ: “Sáng mai nước ngập, em biết lấy cỏ đâu mà cho trâu ăn đây hả anh?”. “Để mai anh qua bên kia sông, biết đâu có cỏ”.

Đêm ấy, hai anh em ngủ trong căn chòi mà bên ngoài gió rít xạc xào. Sáng hôm sau, Bân thức dậy sớm lui cui dọn dẹp đồ đạc trong chòi. Nước lênh láng mặt đất. Đồng bằng ngập lụt trông như biển cả bao la, xa xa, ngọn đước nhô lên – màu xanh duy nhất còn tồn tại trong mênh mông biển nước. Hai anh em nhìn nhau, đôi trâu cũng ngập.

Cơn lũ kéo dài hơn nửa tháng. Hai con trâu của anh em Bân gầy đi trông thấy. Sợ trâu chết, anh em Bân lội xuống nước lấy gỗ đóng thành cái sàn cho đôi trâu đứng tạm, rồi thay phiên nhau đi xa tìm cỏ, nhưng trâu vẫn ốm và mất sức, út Lộc lội bì bõm ra chuồng đứng nhìn đôi trâu mà xót ruột. Bên kia sông người ta đã bán trâu cả rồi. Cũng có trâu chết vì đói, vì lạnh. Út đăm chiêu một lúc rồi nói với Bân: “Chắc em phải dẫn trâu kiếm cỏ thôi, anh hai”. Nghe út nói, Bân giật mình, lớ ngớ: “Nhưng biết tìm ở đâu. Xứ này người ta nuôi trâu dữ lắm, có cỏ người ta cũng giành nhau hết rồi”. “Ở gần không có thì đi xa. Chừng nào có cỏ thì thôi. Không lẽ để hai con trâu chết đói? Anh ở lại chòi coi ruộng coi đồng, nước lũ về cá tôm dữ lắm, em đi gần thôi, vài bữa về”.

Vậy là út Lộc cùng đôi trâu rời mảnh đất quê hương, đi mãi. Bóng người, bóng trâu lòa nhòa rồi khuất hẳn trong màn mưa trắng xóa…

***

Đêm xuống, hơi lạnh bao trùm. Bụng Bân đói rã. Nó không nhớ mình đã đi bao nhiêu ngày đường, qua bao nhiêu dòng sông, bao nhiêu cánh đồng. Đêm nay, Bân ngủ trên một lõm đất nhô lên, giữa mênh mông trời nước. Bân nhắm nghiềm mắt lại, tưởng tượng trước mặt mình là nồi cơm nóng vừa nhắc xuống, dĩa rau luộc với mấy con tép rang, nó ngồi xuống ăn liền mấy chén ngon lành. Tự dưng mắt Bân ứa nước chảy ròng ròng. Trong đêm tối, Bân mường tượng ra hình ảnh ông lão đang đứng trước mặt mình. Ông cười, thò tay móc từ trong ống trúm ra con lươn to bằng cổ tay út Lộc, đưa cho Bân nấu nồi cháo lươn. Lần nào ông đặt trúm lươn trở về, con to nhất cũng đem nấu cháo cho hai anh em ăn. Những lần ông đi rừng trở về, đầu cổ ông rối bù, hai mắt ông đỏ au, áo quần ướt sũng. Ông đứng dưới bực sông gọi Bân xuống đem giỏ lươn lên bờ bắt con to để lại, còn con nhỏ ông mang ra chợ đổi gạo, đổi thịt đem về cho hai anh em. Đâu phải ruột rà, máu mủ gì đâu mà ông vẫn dành cho hai anh em những điều ngọt ngào nhất, ấm áp nhất.

Gió thổi. Đồng đêm thinh vắng. Bóng ông ngoại chập chờn rồi mất hút trong màn đêm… Bân nằm bơ vơ giữa cánh đồng không người. Đâu đó vọng lại tiếng cuốc kêu từng hồi não nuột. Bân chợt nhớ mẹ. Từ lúc bắt đầu cảm nhận cuộc đời, anh em Bân chưa gặp mẹ một lần nào. Có lần Bân nghe út Lộc hỏi ông về mẹ, ông cười cười, rít thuốc. Mắt ông lại đỏ ngầu đi: “Hồi đó mẹ bây nghèo nên kêu ông nuôi giùm. Chừng nào mẹ mày khấm khá thì về đây nhận con”. Nghe vậy mắt út Lộc ánh lên những tia hy vọng rực rỡ. Bân đứng ngoài hè, nước mắt rưng rưng. Bân biết ông nói gạt. Người trong xóm kể hồi đó ông nhặt được hai đứa trẻ trong rừng. Một đứa được quấn trong tấm khăn bàn màu xanh rêu, là út Lộc. Đứa còn lại ngồi tựa lưng vào gốc đước khóc đến xanh xám mặt mày, là Bân. Bân không trách mẹ, chắc mẹ có nỗi khổ tâm đành để hai đứa trẻ bơ vơ. Bân nằm yên lặng, dưới lưng Bân cỏ ướt và mềm, sương rơi lã chã trên đôi gò má của Bân.

Con cá nào vừa đớp động dưới nước. Bân nuốt nước mắt. Biển đời xuôi ngược, mênh mông, biết mẹ phương nào, biết út Lộc ở nơi đâu mà tìm? Dẫu sao nó cũng phải tìm. Bóng Bân nhạt nhòa giữa cánh đồng. Phương đông đang dần ửng sáng…

***

Qua hết dãy đồng này là đến Bảy Núi.

Bân đi đến đâu hỏi đường đến đó. Từ đây, Bân đã trông thấy những ngọn núi lờ mờ trong sương, núi cao nhô lên bầu trời, một cảnh tượng đẹp đẽ mà chưa bao giờ Bân nhìn thấy. Bụng đói, Bân rẽ vào ngôi nhà xin cơm ăn. Một người đàn bà kể chuyện hôm trước có đoàn người dẫn trâu từ dưới đồng bằng lên Bảy Núi tìm cỏ cho trâu ăn, một tia hy vọng sáng rực lên trong Bân. Biết đâu trong đoàn người ấy có út Lộc, có đôi trâu mà thuở còn sống ông chắt chiu từng đồng để tậu cho anh em Bân có cuộc sống ấm no, sung túc.

Bân đi tìm em từ chân núi này đến chân núi khác, cánh đồng này đến cánh đồng khác. Nó đi hết những nơi nào có cỏ. Người ta bảo trái đất thật tròn, thật nhỏ; nhưng đôi khi cũng thật rộng, mênh mông vô biên. Bân tìm không thấy út Lộc nơi đâu, cả đôi trâu cũng mịt mù. Bân lủi thủi trở về.

Bân trở về lúc cánh đồng rút nước. Mặt trời lơ lửng trên ngọn cây. Bờ sông xanh cỏ, mặt đất nâu giòn, những thân đước khỏe khoắn vươn lên sau cơn lũ. Căn chòi lá ẩn hiện trong buổi trưa đầy nắng. Bân chạy nhanh tới. Từ xa, Bân thấy bóng út Lộc đang lui cui ôm bó cỏ to cùng với đôi trâu…

Chia sẻ bài viết