15/08/2008 - 21:02

Liên hoan văn hóa- văn nghệ các dân tộc ĐBSCL

Sáng ngời nét đẹp văn hóa dân tộc

Là một trong những sự kiện chính của Năm Du lịch Quốc gia Mekong- Cần Thơ năm 2008, Liên hoan Văn hóa- Văn nghệ các dân tộc ĐBSCL, với chủ đề “Đoàn kết phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa”, vừa kết thúc tại TP Cần Thơ có thể nói đã thành công rực rỡ. Liên hoan không chỉ giới thiệu bản sắc văn hóa của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm trên vùng châu thổ ĐBSCL mà còn toát lên tinh thần đoàn kết, gắn bó thủy chung bao đời của các dân tộc…

Bốn đội tham dự liên hoan bao gồm: Đoàn dân tộc Kinh của quận Ninh Kiều, đội dân tộc Khmer của huyện Cờ Đỏ, đội dân tộc Hoa của Trường Bổ túc Hoa ngữ TP Cần Thơ và đội dân tộc Chăm của huyện Tân Châu, tỉnh An Giang đại diện cho 4 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer và Chăm. Các đơn vị đã giới thiệu và trình bày những chương trình đặc sắc như: ca múa, độc tấu, nhạc sân khấu và trình diễn trang phục sinh hoạt và trang phục cưới của mỗi dân tộc.

 Trình diễn trang phục cưới của dân tộc Hoa.

Đến với liên hoan, người xem được tận mắt nhìn những cô gái dân tộc Kinh trong trang phục áo bà ba, thưởng thức những điệu múa, những câu hò, điệu lý dân gian gợi lại một thời khai hoang mở đất, cùng múa mô phỏng cảnh sinh hoạt chợ nổi- một nét sinh hoạt độc đáo ở ĐBSCL. Những chàng trai, cô gái dân tộc Khmer thì mang đến liên hoan những điệu múa, bài hát đặc sắc của người Khmer Nam bộ. Người Khmer ưa thích múa hát, khi hát bao giờ cũng múa. Mỗi lúc cao hứng, người ta có thể ngân nga một câu hát, xoay vòng và... múa. Tiết mục của đoàn văn nghệ quần chúng người Khmer huyện Cờ đỏ còn rất ấn tượng với bài độc tấu đàn Roneteak- “Dạ khúc Mahôri”- do em Danh Khoa một diễn viên nhỏ tuổi thể hiện: tiết tấu vui, âm thanh trong trẻo, điêu luyện hứa hẹn sự phát triển của một nghệ nhân âm nhạc dân tộc xuất sắc trong tương lai.

Dân tộc Chăm ở ĐBSCL sống tập trung ở huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, là một trong những dân tộc chịu ràng buộc chặt chẽ vào lễ nghi tôn giáo và phong tục tập quán. Đó cũng là nét đặc trưng của dân tộc Chăm. Những nghệ sĩ dân tộc Chăm đã mang đến liên hoan những chiếc nón Kaplh nam và những chiếc khăn Matơra nữ cùng với những bộ áo dài thước tha đầy màu sắc kết kim tuyến lóng lánh đã làm cho sân khấu rực rỡ hơn. Như trong lễ hội Roda, những chàng trai Chăm đội mũ Kaplh, cầm trống Paranưng múa mạnh mẽ và tự tin, những cô gái xinh đẹp trong bộ áo với váy dân tộc dài chấm gót thướt tha lướt đi trên những áng mây.

 Tiết mục múa của người Kinh.

Đoàn nghệ thuật quần chúng người Hoa xuất hiện trên sân khấu tiếng chiêng trống rộn ràng. Điểm xuyết âm thanh rộn rã của chiêng, trống là những âm thanh du dương sáo trúc. Những thiếu nữ Hoa thể hiện cảnh du xuân như những bông hoa tươi thắm ngát hương đón xuân về...

***

Chị Nguyễn Thị Thanh, nhà ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều nhận xét: “Tôi thích nhất là màn trình diễn những trang phục của các dân tộc, đặc biệt là trang phục cưới. Mỗi dân tộc có một đặc điểm riêng, nhưng đều thể hiện được tính chất quan trọng của ngày cưới qua những bộ quần áo đẹp”. Trong phần trình diễn trang phục và phong tục cưới, những chàng trai, cô gái người Khmer trong những bộ áo, quần xà rông truyền thống; những đôi tân lang, tân nương người Hoa rực rỡ trong những bộ áo dài, mạng che mặt toàn màu đỏ- màu tượng trưng cho sự may mắn; những cô dâu, chú rể người Chăm trong trang phục truyền thống và những bộ áo dài, khăn trùm đầu có kết kim tuyến của nữ đã làm người xem thích thú vì biết thêm những nét lạ của các dân tộc anh em cùng sống gắn bó hằng trăm năm qua.

Hai đêm thi diễn sôi nổi, hào hứng qua đi, nhưng Liên hoan Văn hóa Văn nghệ đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho khán giả. Gần 200 nghệ sĩ không chuyên đã mang đến Liên hoan không khí ngày hội thấm đẫm tinh thần văn hóa qua 28 tiết mục tham gia liên hoan với các thể loại đặc trưng của từng dân tộc như: hát tài tử, cải lương của người Kinh, à- day của người Khmer, nghệ thuật chiêng trống của người Hoa, hát dân ca của người Chăm... cho người xem cảm nhận được rằng dù xã hội trải qua nhiều giai đoạn phát triển nhưng mỗi dân tộc đều gìn giữ được bản sắc văn hóa riêng, toát lên tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước, tình đoàn kết thủy chung của các dân tộc anh em cùng xây dựng quê hương hướng đến một tương lai giàu đẹp.

Liên hoan đã khép lại. Sự thành công đọng lại không phải là các bằng khen, các giải thưởng mà chính là dịp tạo cơ hội giao lưu và hiểu biết nhau hơn giữa các dân tộc, củng cố thêm tình đoàn kết, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc với nhau.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết