25/04/2008 - 21:48

Trưng bày chuyên đề “Tình yêu trong chiến tranh”

Sáng ngời nét đẹp

Chuyên đề “Tình yêu trong chiến tranh” – do Bảo tàng TP Cần Thơ phối hợp với Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP Hồ Chí Minh tổ chức, phục vụ nhân dân Cần Thơ từ ngày 22-4 đến 20-8-2008 – đã đem lại nhiều cảm xúc cho người xem ngay từ buổi sáng mở cửa.

Tình yêu vốn đã đẹp nhưng những mối tình trong chiến tranh cách mạng của nước ta càng đẹp hơn bởi trong đó còn chứa đựng sự vĩ đại của chủ nghĩa anh hùng cách mạng…

Người xem đã trầm trồ ngưỡng mộ hình ảnh đám cưới hạnh phúc của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi cùng chị Phan Thị Quyên, rồi nước mắt lưng tròng khi bên bức ảnh hạnh phúc là hình ảnh anh Trỗi bị chính quyền Sài Gòn xử bắn tại Khám Chí Hòa sáu tháng sau đó. Lời thuyết minh: “Anh Trỗi và chị Quyên cưới nhau mới chỉ 20 ngày thì anh bị bắt, chị Quyên bắt đầu hành trình tìm chồng ở khắp các nhà giam, cho đến ngày anh bị xử bắn...” đã khiến nhiều khách tham quan rơi nước mắt. Đôi áo dài cưới màu sắc tươi tắn của chị Quyên được đặt cạnh hình ảnh chiếc áo dài tang lẻ loi u buồn.

 Những người trẻ lặng người xúc động khi tham quan
trưng bày chuyên đề “Tình yêu trong chiến tranh”.
Trong gian trưng bày, có rất nhiều hình ảnh, hiện vật đối xứng giữa hạnh phúc tương phùng và đau khổ... Trong các hiện vật, nhiều sổ nhật ký của các chiến sĩ cách mạng. Có quyển gần như mục nát vì được tìm thấy cùng hài cốt của các anh. Từng trang nhật ký ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của các chiến sĩ khi được ở gần người yêu thương, nỗi nhớ nhung tha thiết khi chia xa và khát vọng hạnh phúc trong ngày hòa bình. Có trang viết được thể hiện bằng văn phong bay bổng như một tác phẩm văn học, có lời văn mộc mạc nhưng tất cả đều toát lên sự chân thật, giản dị và nồng ấm của tình yêu đôi lứa. Tôi đã đọc bài thơ “Đợi anh về” được chép trong vài trang sổ nhật ký còn sót lại của một liệt sĩ vô danh: “Em ơi đợi anh về. Đợi anh hoài em nhé. Mưa có rơi dầm dề. Ngày có dài lê thê. Thì em ơi cứ đợi”. Nhiều người không tránh được cảm giác thấy khóe mắt mình cay cay khi đọc tâm sự của họa sĩ – chiến sĩ Huỳnh Phương Đông gửi người vợ đã 10 năm không gặp vì chiến tranh: “Anh cũng viết cho em thường lắm, nhưng không hiểu sao cứ không đến tay em. Có khi đọc thư em anh nhận thấy cả năm rồi em không nhận được lá thư nào của anh. Thật cũng buồn cho cái cảnh viết thư cặm cụi thâu đêm mà em không nhận được. Em cũng đừng trách anh em nhé”.

Bên cạnh những chứng tích tình cảm, những khát khao hạnh phúc và yêu thương là những hình ảnh, hiện vật cho thấy sự tàn nhẫn của chiến tranh khi cắt đứt cuộc sống của những con người – những chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi tràn đầy nhựa sống. Những tấm ảnh đoàn tụ của gia đình chiến sĩ được đặt cạnh hình ảnh lẻ loi của người vợ, người mẹ bên ảnh của chồng hoặc con đã hy sinh; tiêu biểu là tấm ảnh chị Hạnh – vợ của anh hùng liệt sĩ Lý Văn Lâm buồn bã bên di ảnh của chồng giữa cánh đồng một buổi chiều nhạt nắng. Có chiếc kẹp tóc được làm từ vỏ máy bay công phu, tinh xảo, là di vật của chiến sĩ Trần Sáng thuộc Đại đội 2, Lữ đoàn 126 – dành để tặng người yêu tên Linh. Nhưng vật chưa được trao thì anh Trần Sáng đã hy sinh tại chiến trường Campuchia. May mắn hơn, chị Nguyễn Thị Thìn chiến sĩ Đ222 Quân khu 4, nhận được chiếc lược do người yêu là chiến sĩ Phạm Văn Lân tặng. Đó cũng là kỷ vật giúp chị vững tin chờ đợi anh qua mười mấy năm chiến tranh, cho đến ngày hòa bình chị nhận được tin anh đã hy sinh, còn chị cũng là một thương binh nặng.

 Hình ảnh hạnh phúc của anh Nguyễn Văn Trỗi và chị Phan Thị Quyên.

“Những hình ảnh, hiện vật ở đây đều khiến tôi xúc động mạnh, gợi cho tôi nhớ đến nhiều đồng đội, đồng chí của mình đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, hy sinh mạng sống để có ngày hòa bình hôm nay”, bà Ung Thị Bé, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh TP Cần Thơ đã nói như thế với giọng nghèn nghẹn sau khi tham quan gian trưng bày “Tình yêu trong chiến tranh”. Bà Nguyễn Thị Kỳ Hoa, cán bộ hưu trí ngụ tại quận Ninh Kiều, tâm sự: “Chiến tranh đã qua lâu rồi, nhưng không thể quên quá khứ khi vẫn còn nhiều cuộc chiến phi nghĩa trên thế giới. Bởi chiến tranh đã gây ra những cảnh đau lòng, những sự chia lìa và mất mát khiến người ta không thể quên như vậy”.

“Tình yêu trong chiến tranh” là một cuộc trưng bày chuyên đề mang rất nhiều ý nghĩa. Thông qua những chi tiết, hình ảnh, kỷ vật tưởng như rất bình thường nhưng toát lên sự lãng mạn, nói lên rất nhiều điều về tinh thần nhân văn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của những người đã hy sinh cả tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Cũng qua cuộc triển lãm lần này, theo bà Huỳnh Ngọc Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP Hồ Chí Minh: “Thực hiện trưng bày chuyên đề này, chúng tôi mong muốn chuyển đến những người trẻ những thông điệp đẹp đẽ về tình yêu – dù trong hoàn cảnh gian khổ thế nào. Đó cũng là một cách để bảo tàng tham gia vào việc định hướng chân – thiện – mỹ trong đời sống tinh thần của giới trẻ”. Người tham quan có thể cảm nhận được tinh thần đó qua những câu thơ của cố Viện sĩ – Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước gởi vợ được trưng bày trân trọng:

“Sánh vai dong ruổi bước trường chinh
Nhạc điệu bổng trầm quyện sắc thanh
Gian khổ không chênh đường chánh khí
Chia ly càng đậm nghĩa kiêu binh
Hợp âm cộng hưởng con rồi cháu
Sắc thái hài hòa, em với anh
Kỷ tỵ xuân sang, trời hửng nắng
Ba lăm năm ấy, bấy nhiêu tình”.

Bài, ảnh: XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết