30/11/2013 - 19:53

HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG AIDS 1/12:

Sáng kiến 2.0
Hiệu quả bước đầu

Cấp thuốc ARV tại Trạm y tế phường An Hòa, quận Ninh Kiều.

Từ tháng 10-2012, TP Cần Thơ chính thức triển khai sáng kiến thí điểm điều trị 2.0 (gọi tắt là sáng kiến 2.0) ở 9 phường, xã thuộc 3 quận, huyện: Ninh Kiều, Ô Môn và Vĩnh Thạnh. Việc triển khai sáng kiến này đã giúp người dân, bệnh nhân AIDS tiếp cận dịch vụ liên quan HIV/AIDS tại các trạm y tế xã, phường. Qua đó, những ca nhiễm mới được tiếp cận điều trị sớm, mang lại hiệu quả bước đầu…

* Điều trị và nhận thuốc tại trạm y tế

Khoảng cuối năm 2012, trạm y tế (TYT) xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh triển khai thực hiện sáng kiến 2.0, bước đầu mang lại nhiều thuận lợi cho người dân. Chị Phan Thị Hồng Loan, ở ấp Qui Lân 5, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, đang khám thai tại TYT xã, cho biết: "Tôi mang thai được 22 tuần. Cán bộ TYT tư vấn cho tôi lấy máu xét nghiệm HIV và chờ 15 phút có kết quả ngay. Tôi đồng ý ngay, vì nếu chẳng may bị nhiễm HIV, tôi sẽ được điều trị để giảm nguy cơ lây truyền HIV sang con. Từ trước đến nay, tôi tưởng phải ra huyện hay lên thành phố mới xét nghiệm HIV được. Trước đây, khi tôi mang thai đứa thứ nhất, TYT chưa có dịch vụ này nên tôi không biết".

Đối với những bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV) tại các phòng khám ngoại trú, việc chuyển về điều trị tại TYT cũng rất thuận lợi. Anh H.V.N., người nhiễm HIV ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh được phòng khám ngoại trú tư vấn và chuyển anh về TYT xã Thạnh Quới điều trị từ cuối năm 2012. Ban đầu, anh N. rất lo ngại khi đi nhận thuốc ở TYT, sợ xóm giềng, người quen biết chuyện, anh sẽ bị kỳ thị, xa lánh, ảnh hưởng việc học hành của con anh. Anh N. cho biết: "Cán bộ của TYT giấu tình trạng bệnh cho tôi. Tôi nói với người quen là đang uống thuốc điều trị bệnh lao. Thuốc uống theo phác đồ mới chỉ có 1 viên, tôi đỡ quên uống thuốc và không thấy bị tác dụng phụ, sức khỏe tôi dần ổn định. Hằng ngày, tôi phụ vợ đi lấy hàng về bán, chở con đi học rồi tranh thủ giăng lưới bắt cá, bắt ốc để kiếm thêm thu nhập".

Cùng với xã Thạnh Quới, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh cũng triển khai sáng kiến 2.0. Chị T.K.H. ở xã Thạnh Tiến kể: "Tôi bị nhiễm HIV và điều trị ARV 7 đã 8 năm nay ở Phòng khám Ngoại trú, Trung tâm Y tế dự phòng quận Thốt Nốt. Khi mới phát hiện bệnh, sức khỏe tôi rất yếu, không ăn, ngủ được, đau nhức cơ thể thường xuyên… Sau thời gian điều trị, tôi tăng cân, ăn ngủ được, làm việc nhà bình thường". Khoảng cuối năm 2012, chị được nhân viên Phòng khám Ngoại trú tư vấn chuyển về TYT xã Thạnh Tiến điều trị. Cứ 6 tháng, chị về Phòng khám Ngoại trú để xét nghiệm CD4 (ước lượng sức đề kháng của cơ thể). Từ ngày sức khỏe khá lên, xóm giềng không nghĩ chị bị bệnh nên không còn xa lánh chị và thời gian gần đây, bà con còn mời chị tham dự các buổi tiệc gia đình. Bà L.T.S., cô ruột của chị H. nói: "Bây giờ, H. khỏe mạnh, không còn bệnh nữa. Từ chỗ nghi kỵ, bây giờ, hàng xóm đối xử với H. bình thường như bao nhiêu người khác".

Theo Phó trưởng TYT xã Thạnh Quới - Trịnh Quốc Hạnh: "Từ tháng 10-2012, trạm tiếp nhận 7 bệnh nhân AIDS từ Phòng khám Ngoại trú, Trung tâm Y tế dự phòng quận Thốt Nốt chuyển về, sau khi được điều trị ổn định. rồi mới chuyển về TYT. Ban đầu, bệnh nhân rất lo ngại, nhưng từ từ dạn dĩ hơn. Hằng tháng, 5 bệnh nhân đến TYT nhận thuốc, 2 bệnh nhân còn lại e ngại, sợ lộ tình trạng bệnh nên cán bộ TYT phải giao thuốc tận nhà. Qua xét nghiệm, kiểm tra, sức khỏe 7 bệnh nhân này khá tốt, không thấy tác dụng phụ của thuốc theo phác đồ mới. Ngoài phát thuốc cho bệnh nhân, hằng tháng, cán bộ TYT đến nhà bệnh nhân thăm hỏi sức khỏe, việc uống thuốc cùng các tác dụng phụ, tư vấn người nhà cách chăm sóc, phòng lây nhiễm bệnh… Ngoài ra, TYT bố trí nhân viên tiếp cận cộng đồng, chuyên tiếp cận với đối tượng nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm…để hướng dẫn các đối tượng đến TYT để tư vấn và lấy máu xét nghiệm HIV. Nếu kết quả dương tính, mẫu máu được chuyển về Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ xét nghiệm khẳng định. Nếu kết quả âm tính, TYT tư vấn rồi chuyển về Phòng khám Ngoại trú của quận, huyện theo dõi sức khỏe, nếu đủ điều kiện thì đưa vào điều trị. Phụ nữ mang thai cũng được tư vấn và xét nghiệm HIV sớm ngay tại TYT. Kết quả xét nghiệm (âm tính) có sau 30 phút. Việc làm này giúp phát hiện sớm các trường hợp bị nhiễm HIV, từ đó đưa họ vào điều trị sớm, hạn chế tình trạng điều trị muộn. Đồng thời, hạn chế tình trạng lây nhiễm bệnh cho cộng đồng.

* Thay đổi quan niệm về HIV/AIDS

Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ vừa triển khai mở rộng sáng kiến 2.0 ở 3 phường của quận Thốt Nốt là: Thốt Nốt, Trung Kiên và Thới Thuận; hiện có 12 bệnh nhân được chuyển từ phòng khám ngoại trú về TYT 3 phường này điều trị ARV. Tính đến cuối tháng 10-2013, thực hiện sáng kiến 2.0, toàn thành phố có 2.919 người được tư vấn, xét nghiệm HIV miễn phí, tự nguyện tại TYT xã, phường. Qua đó, phát hiện 14 người nhiễm HIV. Song song đó, ở 12 TYT có 94 bệnh nhân tiếp nhận dịch vụ chăm sóc điều trị ARV.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Vân, Nhóm Chăm sóc và điều trị của Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam: Việc thực hiện sáng kiến 2.0 hướng đến 3 mục tiêu; trong đó, có mục tiêu điều trị sớm. Điều trị sớm có 2 ý nghĩa, một là, miễn dịch của người bệnh chưa suy giảm nặng (CD4 còn cao), chưa mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội nên giảm tỷ lệ tử vong do AIDS; hai là, điều trị sớm, ức chế sự phát triển của vi-rút, nồng độ vi-rút trong máu bệnh nhân giảm, từ đó nguy cơ lây truyền HIV cho người khác cũng giảm theo. Sáng kiến 2.0, bước đầu triển khai ở TP Cần Thơ và tỉnh Điện Biên có nhiều thành tựu đáng kể. Thứ nhất, đưa dịch vụ đến gần dân, tăng tính sẵn có của dịch vụ tại địa phương. Trước đây, khi mới triển khai nhiều người quan ngại TYT có điều trị được không? Có bảo mật thông tin bệnh nhân không? Qua thời gian thực hiện thí điểm, các TYT đã điều trị được. Việc làm này cũng giúp chuyển giao dịch vụ từ bệnh viện chuyên khoa đến TYT. Trước đây, nhiều người cho rằng, chỉ có các bệnh viện chuyên khoa mới điều trị ARV nhưng bây giờ quan niệm đó đã thay đổi. Qua nghiên cứu thực nghiệm ở phòng khám do bác sĩ phụ trách và phòng khám do điều dưỡng phụ trách, tỷ lệ tử vong và duy trì điều trị không khác biệt. Bản chất điều trị ARV chỉ khó lúc đầu; khi bệnh nhân đến điều trị muộn, đã xuất hiện các nhiễm trùng cơ hội mới cần bác sĩ; còn nếu bệnh nhân đến sớm hoặc đã điều trị ổn định thì chỉ cần y sĩ. Như vậy, không có nghĩa là "thả" cho TYT điều trị cho bệnh nhân, mà định kỳ 6 tháng/lần, bệnh nhân quay lại phòng khám ngoại trú ở huyện, quận để bác sĩ đánh giá tổng quát, nhằm đảm bảo quá trình điều trị cho bệnh nhân. Việc đưa điều trị ARV về TYT vừa giảm chi phí cho bệnh nhân; đồng thời, tăng cường mối quan hệ giữa bệnh nhân với cán bộ TYT. Mặt khác, còn giúp bình thường hóa HIV, xem như bệnh cao huyết áp, tiểu đường…để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử.

Bài, ảnh: H.Hoa

Sáng kiến 2.0 là sáng kiến toàn cầu do Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc (UNAIDS) và WHO xây dựng. Sáng kiến này bao gồm 5 lĩnh vực ưu tiên như: Tối ưu hóa phác đồ điều trị; cung cấp các phương tiện và công cụ chẩn đoán tại chỗ; đơn giản; giảm chi phí; tăng cường cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại tuyến cơ sở và huy động cộng đồng.

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới triển khai thí điểm này. Theo thông tin từ WHO, dựa trên kinh nghiệm thí điểm của TP Cần Thơ và tỉnh Điện Biên, Bộ Y tế quyết định mở rộng sáng kiến 2.0 ở 2 tỉnh Thanh Hóa và Thái Nguyên và sau đó, có thể mở rộng các tỉnh, thành khác.

Việc thực hiện sáng kiến 2.0 không những đem đến hy vọng sống cho người nhiễm HIV mà còn hướng đến các mục tiêu không còn ca nhiễm mới cũng như kỳ thị, phân biệt đối xử.

 

Chia sẻ bài viết