Trước năm 2019, Kiên Giang nổi tiếng với một số đặc sản như nước mắm, hải sản khô, mắm… nhưng số lượng khá ít so với tiềm năng, lợi thế. Sau khi triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), "bản đồ ẩm thực" của Kiên Giang trở nên đa dạng hơn, nhiều màu sắc, nâng cao mạnh mẽ giá trị sản phẩm.
Từ khô tới mắm
Khô cá đồng, cá biển, hải sản khô của Kiên Giang từ lâu đã có tiếng nhưng chưa định vị được thương hiệu nên chưa thể vươn xa. Song, nay mọi chuyện đã khác. Đi biển về phải có quà xách tay và không gì tuyệt bằng khô. Giờ không chỉ khô cá biển có ở Phú Quốc mà còn có ở Kiên Hải, Hà Tiên. Ai đi Hà Tiên, nhất là ra thăm thú quần đảo Hải Tặc, ít nhiều cũng mang về ít khô Cô Nối. Hàng chục hộ dân làm khô ngon có tiếng là khô Cô Nối của gia đình ông Hoàng Tư Kim bởi bí quyết khá đặc biệt. Cá biển không "ăn" muối mà ướp bằng nước mắm ủ cũng từ cá biển tươi. Trước khi ướp, cá được rửa sạch bằng nước biển. Có lẽ chỉ làm cá vào mùa nắng gắt, cộng thêm chút gió biển mặn mòi đã làm con khô Cô Nối giữ được vị ngon thuần tự nhiên của cá biển. Ông Tư nói: "Từ ngày được chứng nhận OCOP 3 sao, khô làm ra luôn trong tình trạng cháy hàng. Đa số khách du lịch đến đảo vui chơi rồi mua về làm quà hoặc dự trữ dùng dần để thay đổi khẩu vị bữa ăn".
Nông dân Trương Văn Dô (Giồng Riềng) sở hữu 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm mắm lóc, mắm sặc, mắm rô và mắm cá lóc thái sợi.
Mắm là món ăn không thể thiếu trong ẩm thực của người Kiên Giang, là món dự trữ cho bữa ăn của nhiều gia đình trong những ngày ruộng đồng ít tôm cá. Sẽ thiếu sót nếu về Kiên Giang mà không thưởng thức mắm đồng. Thời gian trước tỉnh có một số sản phẩm mắm như mắm cá đồng, mắm cá lưỡi trâu, nay có thêm các sản phẩm mắm Tám Dô (Giồng Riềng), mắm cá tập tàng Ba Bê (An Biên), mắm lóc Hiểu Phát (Vĩnh Thuận).
Cũng là mắm cá đồng nhưng mắm của vợ chồng anh Trương Văn Dô (Tám Dô), ở ấp Đường Lác, xã Ngọc Thuận (Giồng Riềng) lại khác biệt hơn ở chỗ không quá mặn, vị vừa ăn chinh phục được cả những thực khách khó tính. Mỗi năm một mùa nước nổi cũng là lúc cơ sở mắm Tám Dô có được nguồn cá đồng tươi ngon để làm nên món mắm đồng. Anh Tám Dô nói: "Phải là cá đồng tươi thì làm mắm mới ngon, khi ướp cá mới ăn muối để khi chao, thính mới có mắm ngon".
Nương theo tự nhiên để làm ra sản vật, mắm đồng Tám Dô "hữu xạ tự nhiên hương", để từ đó lượng "fan" ngày một nhiều. Đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao nên thương hiệu mắm Tám Dô ngày càng được nhiều người biết đến và luôn đắt hàng. 5 năm trở lại đây, năm nào vợ chồng anh Tám Dô cũng thu mua hơn 40 tấn cá đồng các loại để làm mắm. Vừa bán sỉ, bán lẻ, mỗi năm anh Tám Dô bán ra thị trường 20 tấn mắm, giá dao động từ 120.000-200.000 đồng/kg, thu về hơn 500 triệu đồng lợi nhuận.
Đa dạng sản phẩm, gia tăng giá trị
Lận lưng vốn liếng đặc sản như nước mắm Phú Quốc, khóm Tắc Cậu, rượu Kinh 5, mật ong U Minh Thượng, thời gian gần đây, Kiên Giang phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP, đặc sản được du khách, người tiêu dùng chấp nhận, tin dùng. Có thể kể đến bánh phồng của Gò Quao, gỏi cá trích ở Hà Tiên, khô trâu của Giang Thành hay tôm khô ở vùng Miệt Thứ…
Tính đến tháng 12-2023, Kiên Giang có 229 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó 6 sản phẩm đạt hạng 5 sao cấp quốc gia, 37 sản phẩm đạt hạng 4 sao, còn lại đạt hạng 3 sao và tiềm năng hạng 4 sao. Phần lớn các sản phẩm OCOP đều là các món ăn, đặc sản tiêu biểu của 15 huyện, thành phố trong tỉnh. Số lượng sản phẩm OCOP, đặc sản của Kiên Giang tăng lên, thị trường ngày càng mở rộng, cũng từ đó càng làm gia tăng giá trị. Kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển, du lịch thu hút ngày càng nhiều du khách một lần nữa làm cho sản phẩm, sản vật Kiên Giang được quảng bá, biết đến nhiều hơn, vươn xa hơn về tiếng tăm và thương hiệu.
Đâu chỉ có gạo thơm, tôm sạch, Hợp tác xã dịch vụ tôm, cua, lúa Thuận Phát, ở ấp Mười Huỳnh, xã Đông Hưng (An Minh) giờ còn có sản phẩm chả cá rô phi nức tiếng xa gần với sản lượng tiêu thụ bình quân khoảng 200 kg/tháng. Năm 2019, ông Lê Thế Sua, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tôm, cua, lúa Thuận Phát bắt đầu đi học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè ở Sóc Trăng với hy vọng tạo bước đột phá từ sản phẩm chất lượng, đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp cho hợp tác xã. Sẵn nguồn nguyên liệu cá rô phi dồi dào, giá rẻ từng được xem là con xoá đói giảm nghèo cho nông dân An Minh, nay được ông Sua tận dụng tạo ra sản phẩm chả cá chất lượng cao, mang thương hiệu và văn hóa vùng Miệt Thứ.
Thất bại là điều không thể tránh khỏi, "có nhiều mẻ chả cá phải đổ đi" là lời chia sẻ của các thành viên hợp tác xã này trong những ngày đầu thử làm chả cá rô phi. Nhiều kinh nghiệm dần đúc kết, từ cách khử mùi tanh của cá đến hoàn chỉnh công thức tẩm ướp gia vị đủ các loại hành tím, hành lá, tỏi, tiêu xay, bột ngọt, nước mắm, bột nghệ... rồi thêm rau gia vị và xay nhuyễn, vò viên. Bí quyết ở chỗ làm sao để chả cá rô phi đủ độ dai và ngon hơn so với các loại chả cá khác.
Là "thủ lĩnh" Hợp tác xã dịch vụ tôm, cua, lúa Thuận Phát, ông Sua mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất gồm máy hút chân không, máy vò viên thay thế công lao động. Mẫu mã, bao bì đóng gói cũng được đầu tư bắt mắt hơn nhằm chuẩn bị đủ điều kiện được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm OCOP đặc sản, Kiên Giang ngày càng trở nên phong phú và đa dạng hơn, khai thác ngày càng tốt hơn tiềm năng lợi thế địa phương. Cũng từ đó, một số sản phẩm OCOP đặc sản Kiên Giang đã vẽ lại "bản đồ ẩm thực" Kiên Giang và bản đồ ấy ngày càng trở nên đa sắc màu hơn.
Bài, ảnh: AN NAM