29/11/2019 - 06:09

Sân chơi học tiếng Anh 

Qua 2 năm tổ chức, Hội thi Olympic tiếng Anh trong học sinh, sinh viên không chỉ là sân chơi học thuật bổ ích mà còn giúp nhiều bạn trẻ rèn kỹ năng mềm cần thiết trong cuộc sống. Hội thi do Thành đoàn Cần Thơ tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn: thi trực tuyến, đối kháng, sân khấu hóa hoặc hùng biện...

Không dừng lại ở học ngoại ngữ

Lãnh đạo Thành đoàn Cần Thơ tặng Bằng khen cho các tập thể đạt giải cao trong Hội thi Olympic tiếng Anh trong học sinh,
sinh viên năm 2019.

Đó là chia sẻ của chị Lư Thị Ngọc Anh, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP Cần Thơ khi phát biểu tại vòng chung kết Hội thi Olympic tiếng Anh trong học sinh, sinh viên năm 2019 vừa qua. Theo chị Ngọc Anh, hội thi không chỉ là sân chơi bổ ích để học sinh, sinh viên nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ, mà các phần thi với nội dung tập trung vào kiến thức về kinh tế-xã hội, văn hóa vùng ĐBSCL, cũng như tìm hiểu về Cộng đồng ASEAN. Trong bối cảnh hội nhập, tiếng Anh là chìa khóa để các bạn trẻ mở ra cánh cửa tri thức, hiểu rõ về nét đẹp văn hóa, truyền thống của dân tộc để hòa nhập nhưng không hòa tan.  

Với nội dung đa dạng và phong phú, hội thi năm nay được triển khai gần 1 tháng (từ tháng 10 đến ngày 24-11) đã thu hút gần 36.300 thí sinh tham gia thi trực tuyến. Để tăng sức hấp dẫn, Ban Tổ chức đã trao giải nhất hằng tuần cho thí sinh đạt điểm cao nhất. Nguyễn Văn Toàn, sinh viên ngành Dược Thú y (Trường Đại học Cần Thơ), 1 trong 3 thí sinh đạt giải Nhất tuần, chia sẻ: “Hội thi tổ chức với hình thức trực tuyến, rất tiện lợi bởi sinh viên có thể thi trên điện thoại hoặc máy tính. Nội dung cũng rất phong phú từ tình hình kinh tế - xã hội địa phương, đến văn hóa, phong tục của người dân vùng đất Nam bộ. Vì vậy, không chỉ bổ sung vốn từ vựng tiếng Anh, bản thân em cũng tích lũy nhiều kiến thức xã hội”.

Theo Toàn, tại các ngày hội việc làm do trường tổ chức, đối với ngành Dược Thú y, có khá nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao. Ý thức điều đó, bên cạnh học trên lớp, Toàn còn học thêm, tự học trên mạng hoặc tham gia các hoạt động giao lưu với sinh viên quốc tế để cải thiện năng lực sử dụng ngoại ngữ với ước mơ sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc cho một công ty đa quốc gia. Nhiều thí sinh đánh giá hội thi có cách thức tổ chức mới mẻ, gần gũi với giới trẻ; có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội, cũng như có nhiều hoạt động hưởng ứng, từ ngày hội phát động, tập huấn và hướng dẫn thí sinh tham gia đến các đợt trao giải tuần, tặng quà cho các đội hình cổ vũ. Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào học tập ngoại ngữ trong học sinh, sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng.

Tự học, tự rèn 

Bên cạnh nội dung thi dành cho cá nhân, ở vòng chung kết hội thi còn có 6 đội đại diện các trường đại học, cao đẳng sôi nổi tranh tài qua 3 phần thi: Tự giới thiệu, kiến thức và hùng biện. Các phần thi được tổ chức bằng hình thức đối đáp (trả lời câu hỏi của giám khảo), sân khấu hóa và hùng biện với những nội dung mà giới trẻ đang quan tâm. Để vượt qua các phần thi này, đòi hỏi các thí sinh có quá trình tập luyện, cũng như có kỹ năng nói chuyện trước đám đông, bởi mục tiêu của hội thi là hình thành thói quen học ngoại ngữ trong sinh viên.

 Phạm Đắc Phú, sinh viên ngành Y đa khoa (Trường Đại học Y Dược Cần Thơ), 1 trong 2 thành viên của Đội đạt giải Nhất hội thi, cho rằng chỉ khi xác định mục tiêu học ngoại ngữ rõ ràng thì bạn trẻ sẽ có động lực và tự xây dựng kế hoạch học tập khoa học, hiệu quả hơn. Bởi thực tế có một số bạn trẻ học theo phong trào nên kết quả không như mong muốn. Với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Tiếng Anh chuyên ngành của trường, Phú chia sẻ các hoạt động của CLB gắn với chuyên môn của sinh viên nhằm giúp các bạn bổ trợ kiến thức chuyên ngành tốt hơn. Nhờ vậy, CLB thu hút hơn 400 sinh viên tham gia, mỗi học kỳ tổ chức từ 5 đến 6 hoạt động trao đổi về dịch thuật cho sinh viên. Ngoài ra, nhiều thành viên CLB cũng được tham gia hỗ trợ phiên dịch cho các hội thảo, hội nghị quốc tế do trường tổ chức, hay như các hoạt động giao lưu với bác sĩ nước ngoài, sinh hoạt chuyên đề về y khoa.

 Đối với những hoạt động trên, tiếng Anh không chỉ là công cụ giao tiếp, mà còn giúp sinh viên tiếp thu, cập nhật kiến thức y khoa của các chuyên gia nước ngoài. Khi sinh viên ý thức tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với cơ hội phát triển nghề nghiệp của bản thân, thì các bạn tự học, tự rèn ngoại ngữ và kết quả sẽ tiến bộ hơn.

Hiện nay, toàn thành phố hiện có 14 CLB tiếng Anh ở các trường đại học, cao đẳng, qua đó, đã tạo nhiều sân chơi học thuật bổ ích cho sinh viên.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

 

Chia sẻ bài viết