|
Mỹ đẩy mạnh chiến dịch "tìm diệt" bằng máy bay không người lái. Ảnh: The Nation |
Tờ Bưu điện Washington hôm 24-10 đã bắt đầu cho đăng tải loạt bài 3 kỳ liên tiếp về các chính sách chống khủng bố của chính quyền Mỹ. Trong đó, tư liệu bài viết được dựa trên các cuộc phỏng vấn với hàng chục quan chức an ninh quốc gia đã và đang phục vụ cho chính phủ, các nhà phân tích tình báo cùng những người liên quan khác trong quá trình xem xét, phát triển các chính sách chống khủng bố cũng như tiến hành các chiến dịch "tìm và diệt" của nước này.
"Bố trí ma trận"
Trong hai năm qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bí mật phát triển kế hoạch mang tên "bố trí ma trận", đây được xem là bản dự thảo mới nhằm theo dấu và truy sát những phần tử khủng bố. Theo đó, mạng lưới bao gồm danh sách các nghi phạm khủng bố đã được chỉnh lược với các bản tội trạng và hoạt động bí mật để tiện cho quá trình theo dõi và truy tìm tung tích. Giới quan chức Mỹ cho biết, cơ sở dữ liệu của hệ thống đã được thiết kế hơn hẳn bản "Danh sách phải giết" ở thời điểm hiện tại, nghĩa là vạch ra các tình huống bất ngờ, thiết lập quá trình làm việc nêu rõ vai trò hoạt động của từng cơ quan trong từng trường hợp nếu kẻ tình nghi bất thình lình xuất hiện tại địa điểm không ngờ tới.
Hiện tại, cố vấn chống khủng bố Nhà Trắng John O. Brennan đang tìm cách hệ thống hóa các phương pháp tiếp cận của chính quyền để thiết lập danh sách "tìm và diệt" trong nỗ lực mở rộng chương trình chống khủng bố mà Tổng thống Obama đã phê duyệt. Trong khi đó, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David H. Petraeus đang đề xuất việc mở rộng phi đội máy bay vũ trang không người lái của CIA, một động thái có thể dẫn tới việc chuyển đổi cơ quan tình báo thành một lực lượng bán quân sự, nêu rõ ý định CIA sẽ không từ bỏ chương trình máy bay không người lái để quay trở lại vai trò chỉ thu thập thông tin tình báo như trước đây.
Các cơ quan chống khủng bố hoạt động dựa trên cơ sở mà họ cho là "việc tìm diệt có mục tiêu của chính quyền Obama đã được thảo luận cởi mở hơn trong năm qua". Trong một loạt các bài phát biểu, quan chức chính quyền Mỹ đã trích dẫn những cơ sở pháp lý, bao gồm cả ủy quyền từ Quốc hội về việc sử dụng vũ lực quân sự sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ, cũng như quyền tự vệ của quốc gia. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng những luận cứ đã trở nên mong manh hơn khi chiến dịch tìm diệt bằng máy bay không người lái vượt ngoài mục tiêu chính là các nhóm phiến quân chủ chốt của al-Qaeda.
Cuộc chiến không hồi kết
Mặc dù "ma trận" vẫn còn đang trong giai đoạn tiến hành, nhưng việc nỗ lực để tạo ra nó phản ánh một thực tế trong nhiệm vụ chống khủng bố của nước Mỹ, đó là việc nước này đang dần thả lỏng đối với các cuộc chiến sử dụng vũ khí thông thường, nhưng Chính phủ Mỹ vẫn muốn tiếp tục đưa thêm nhiều tên vào danh sách bắt giữ hoặc phải giết trong những năm sắp tới. Trong số các quan chức cấp cao của chính phủ, đa phần đều đồng thuận rằng các hoạt động tương tự có thể kéo dài ít nhất thêm 10 năm nữa khi mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda có thêm nhiều "chân rết". Một số người thậm chí không thể xác định rõ hồi kết là bao giờ.
Trong cuộc vận động tái tranh cử, chính quyền Tổng thống Obama từng trưng ra nhiều "chiến tích" trong cuộc chiến chống khủng bố, trong đó tiêu biểu là vụ đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. Tuy nhiên, bản thống kê cho thấy kết quả mà Mỹ đạt được trong cuộc chiến kéo dài 10 năm chỉ ở mức trung bình, trong khi số thường dân bị giết trong chiến dịch máy bay không người lái được dự đoán sẽ sớm vượt quá 3.000, hơn hẳn số nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố 11- 9. Bruce Riedel, cựu sĩ quan CIA và chuyên gia chống khủng bố của Tổng thống Barack Obama ví von: "Vấn đề với máy bay không người lái là nó giống như máy cắt cỏ. Bạn dành hầu hết thời gian để cắt, nhưng nếu chỉ dừng một phút, cỏ sẽ mọc trở lại".
VI VI (Theo Washington Post)