27/03/2019 - 10:31

Ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thống kê - chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở TP Cần Thơ:

Sẵn sàng Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 

Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (gọi tắt là Tổng điều tra) sắp diễn ra trên phạm vi toàn quốc. Cùng với các địa phương, TP Cần Thơ khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để bắt tay vào nhiệm vụ quan trọng này theo đúng thời gian quy định. Báo Cần Thơ trao đổi với ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra thành phố xoay quanh việc chuẩn bị cho sự kiện này:

* Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra?

- Tổng điều tra lần này là 1 trong 3 cuộc Tổng điều tra lớn thực hiện trên phạm vi cả nước. Đây là cuộc Tổng điều tra được thực hiện quy mô nhất, công tác tuyên truyền rộng khắp từ Trung ương đến địa phương và các vùng sâu xa, biên giới, hải đảo và được sự tham gia chỉ đạo và thực hiện của toàn dân, của toàn hệ thống chính trị. Và là đợt điều tra, rà soát dân số, tình hình dân cư, phục vụ công tác hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư, phục vụ tốt cho công tác cải cách hành chính và Chính phủ điện tử.

Tổng điều tra thực hiện từ ngày 1-4 đến ngày 25-4-2019, thu thập các thông tin cơ bản về dân số và nhà ở. Qua đó, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu dân số, nhân khẩu học và nhà ở phục vụ Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia quy định trong Luật Thống kê; phân tích và dự báo tình hình phát triển dân số và nhà ở từng địa phương và phạm vi cả nước. Đây là căn cứ phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020; xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; phục vụ công tác giám sát thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. Ngoài ra, cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia về dân số; xây dựng dàn mẫu chủ phục vụ các cuộc điều tra hộ dân cư.

* Tổng điều tra lần này sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?

- Nội dung của cuộc Tổng điều tra lần này bao gồm các thông tin toàn bộ và thông tin điều tra mẫu. Thông tin điều tra toàn bộ gồm các thông tin về dân số và nhà ở như: Thông tin cá nhân (họ và tên, giới tính, tuổi); Mối quan hệ với chủ hộ; Dân tộc và tôn giáo; Tình hình đi học hiện nay; Trình độ học vấn và trình độ nghề, kỹ năng nghề; Tình trạng biết đọc và biết viết; Tình trạng hôn nhân; Tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em. Tình trạng nhà ở hiện tại; Quy mô diện tích nhà ở; Kết cấu nhà và loại vật liệu xây dựng chính; Năm đưa vào sử dụng.

Ngoài các thông tin như trong phiếu điều tra toàn bộ, phiếu điều tra mẫu còn có thêm các thông tin liên quan đến tình trạng di cư của dân số; tình trạng khuyết tật; tuổi kết hôn lần đầu; tình trạng lao động việc làm; lịch sử sinh của nữ vị thành niên từ 10-14 tuổi và phụ nữ từ 15-49 tuổi; thông tin về người chết; thông tin về nhà ở…

* Thưa ông, có những điểm mới gì trong phương thức tiến hành Tổng điều tra?

- Tổng điều tra lần này có một số điểm mới, nổi bật là ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn, từ thu thập thông tin đến khâu tiếp nhận, xử lý, tổng hợp, phân tích thông tin điều tra. Có 2 phương pháp thu thập thông tin trong Tổng điều tra. Đó là, điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động (CAPI) và điều tra bằng phiếu trực tuyến qua internet (Webform); áp dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng hai giai đoạn nhằm đảm bảo tính đại diện đến cấp huyện và tiết kiệm kinh phí.

Điều tra viên thực hành thực tế về thu thập thông tin cho Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, cải tiến quy trình vẽ sơ đồ nền xã/phường/thị trấn và phân chia địa bàn điều tra; lồng ghép thông tin đáp ứng tính toán các chỉ tiêu phát triển bền vững... Qua cuộc Tổng điều tra lần này, nếu dữ liệu được phân tích, tích hợp vào các cơ sở dữ liệu sẵn có và có kế hoạch cập nhật thường xuyên, cơ chế chia sẻ thông tin hợp lý thì đến năm 2029 không cần thiết phải tổ chức Tổng điều tra trên quy mô toàn quốc.

* Khâu chuẩn bị cho Tổng điều tra trên địa bàn thành phố đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Đến thời điểm này, tất cả các công việc chuẩn bị cho Tổng điều tra trên địa bàn thành phố đã được tổ chức thực hiện đúng theo kế hoạch đã đề ra. Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tổng điều tra TP Cần Thơ xây dựng kế hoạch thực hiện Phương án điều tra Tổng điều tra trên địa bàn. Cụ thể, đã thành lập BCĐ, Văn phòng BCĐ các cấp trong tháng 8, 9-2018. Trong đó cấp thành phố 34 người; cấp huyện 189 người; cấp xã 475 người. Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành các chỉ thị, văn bản về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Tổng điều tra tại địa phương, nhấn mạnh mục đích, yêu cầu, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra.

BCĐ thành phố hướng dẫn BCĐ cấp huyện, xã thực hiện công tác tập huấn vẽ sơ đồ nền và phân chia địa bàn điều tra. Kết quả, vẽ 85 sơ đồ nền xã; xác định 2.366 địa bàn, trong đó 2.038 địa bàn điều tra bình thường quy mô trung bình 161 hộ/địa bàn. Trên cơ sở đó, huy động 2.038 người lập bảng kê hộ và 1.016 điều tra viên theo phương án Tổng điều tra và tiến hành tập huấn nghiệp vụ. Một số địa phương do số lượng hộ tại địa bàn nhiều, địa bàn phức tạp nhiều hộ là công chức, công nhân, nhà trọ... huy động thêm điều tra viên để thực hiện việc thu thập thông tin.

Trên địa bàn thành phố có hơn 351.000 hộ theo tiêu chí của Tổng điều tra quy định; trong đó hơn 1.700 hộ trả lời Webform (số liệu khi lập bảng kê). Số nhân khẩu thực tế thường trú khi lập bảng kê là hơn 1,2 triệu người. Công tác rà soát, cập nhật bảng kê hộ hoàn thành vào ngày 25-3-2019 để phục vụ khâu chọn mẫu hộ.

Với sự chỉ đạo tập trung từ cấp Trung ương đến cấp xã, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị trên địa bàn, sự tham gia tích cực của các đối tượng điều tra, BCĐ Tổng điều tra TP Cần Thơ tin tưởng sẽ hoàn thành cuộc Tổng điều tra một cách chính xác, đúng phương án đề ra.

*  Xin cảm ơn ông!

Tuyết Trinh (thực hiện)

Chia sẻ bài viết