10/03/2010 - 21:15

Thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã

Rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả công tác

Thực hiện kế hoạch số 34-KH/TU, ngày 7-4-2009 của Ban Thường vụ Thành ủy “về việc thực hiện thí điểm chủ trương đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, thị trấn”, thời gian qua, một số địa phương trong thành phố đã tổ chức thực hiện thí điểm mô hình này. Kết quả bước đầu cho thấy, việc thực hiện mô hình này mang lại nhiều ưu điểm, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả xử lý công việc ở địa phương, được đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân ở các địa phương đồng tình, ủng hộ.

Nhanh hơn, hiệu quả hơn

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Thành ủy, đến thời điểm này, toàn thành phố có 12 xã, thị trấn tổ chức thực hiện thí điểm chủ trương Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND. Cụ thể gồm các xã: Thới Tân, Thới Thạnh, Trường Xuân B, Xuân Thắng (huyện Thới Lai), Thới Hưng, Đông Thắng, Thới Xuân, Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ), Nhơn Nghĩa, Giai Xuân, Tân Thới (huyện Phong Điền) và thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh). Kết quả kiểm tra, thăm dò ý kiến từ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở các xã, thị trấn thực hiện thí điểm cho thấy, chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm chủ tịch UBND được hầu hết cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đồng tình. Bởi khi bí thư đồng thời là chủ tịch sẽ kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ lãnh đạo và quản lý điều hành, khắc phục được tình trạng bao biện, làm thay hay buông lỏng lãnh đạo của cấp ủy. Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương nhất thể hóa hai chức danh này còn góp phần làm cho bộ máy tinh gọn, mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể cũng có sự gắn kết chặt chẽ, các chủ trương, nghị quyết dễ được cụ thể hóa, phân công rõ ràng...

 Nhờ lãnh đạo, điều hành có trọng tâm, năm 2009, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền đã tạo được đột phá trong công tác xây dựng giao thông nông thôn. Trong ảnh: Nhân dân ấp Nhơn Khánh (xã Nhơn Nghĩa) đang sửa chữa cầu.

Xã Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền) là một trong những địa phương đầu tiên trong thành phố triển khai thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND xã (từ tháng 10-2008). Theo các cán bộ, đảng viên xã Nhơn Nghĩa, từ khi thực hiện mô hình, số lần hội họp ở địa phương giảm đi nhiều, thời gian họp cũng được rút ngắn hơn. Bên cạnh đó, công việc vào một đầu mối nên khi có vấn đề cần thiết, Bí thư đồng thời là Chủ tịch có thể quyết định và giải quyết một cách nhanh chóng. Việc chỉ đạo thống nhất cũng giúp đoàn kết nội bộ được tăng cường, hệ thống chính trị từng bước được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên, nhờ đó, các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội của xã năm qua đều hoàn thành tốt. Nhờ sự lãnh đạo và điều hành tập trung, hiệu quả, năm 2009, xã Nhơn Nghĩa đã tạo bước đột phá trong công tác xây dựng giao thông – thủy lợi. Toàn xã có gần 20.000m đường được trải nhựa, trải đá và đổ đá đen, 9 cây cầu được sửa chữa và xây dựng mới, 11 tuyến kênh thủy lợi được nạo vét với tổng kinh phí hơn 2,1 tỉ đồng. Trong đó, nhân dân đã đóng góp hơn 1,4 tỉ đồng và hơn 1.000 ngày công lao động. Xã tiếp tục giữ vững danh hiệu “Xã văn hóa”, Đảng bộ đạt “trong sạch vững mạnh” nhiều năm liền... Ông Lê Hoàng Dũng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa, cho biết: “Trước đây, mỗi đầu tuần đều phải họp Thường vụ, còn bây giờ, mỗi tháng chúng tôi chỉ họp một lần, một số “khâu trung gian” trong công tác lãnh đạo và điều hành, như: báo cáo, xin ý kiến, chờ chủ trương... giảm hẳn nên có nhiều thời gian cho công tác chỉ đạo, kiểm tra thực hiện, hiệu quả công việc được nâng lên rõ rệt”.

Một ví dụ về sự “nhanh, gọn” khi thực hiện chủ trương này được ông Trần Văn Hải, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, kể lại: Tháng 10-2009, trong lúc đi cơ sở tại ấp Ninh Hòa, ông Hải nghe người dân phản ánh do chưa có đê bao nên vào vụ lúa đông xuân hàng năm, 40 ha đất sản xuất nông nghiệp của bà con nơi đây phải sạ trễ hơn 1 tháng so với các khu vực lân cận, vừa tốn nhiều công chăm sóc và ảnh hưởng đến năng suất. Sau khi khảo sát thực địa, ông Hải đã chỉ đạo cán bộ xã, ấp triển khai thực hiện ngay công trình để bà con kịp xuống giống vụ lúa đông xuân năm 2010 đồng loạt với các khu vực lân cận. Ông Hải chia sẻ: “ Nếu như trước đây, tôi làm Bí thư, còn Chủ tịch UBND là đồng chí khác thì gặp những vụ việc như vậy tôi cũng chỉ dám ghi nhận, rồi về bàn lại trong Thường trực. Chủ tịch UBND muốn triển khai làm cũng phải tổ chức đi đến nơi tìm hiểu lại... Đó là chưa kể không ít lần khi đi cơ sở, có những vấn đề bà con bức xúc phản ánh, tôi ghi nhận và hứa giải quyết, nhưng sau do UBND xã không cân đối được, nên công việc không được giải quyết. Từ khi giữ vai trò Bí thư, kiêm chủ tịch, những vấn đề đó có thể quyết ngay”...

Còn nhiều vấn đề cần quan tâm

Bên cạnh những ưu điểm, thuận lợi, chủ trương bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND xã, thị trấn khi triển khai trong thực tế cũng nảy sinh một số khó khăn và một số vấn đề đòi hỏi phải có hướng giải quyết hợp lý. Theo ông Bùi Văn Hai, Bí thư Huyện ủy Phong Điền, khó khăn lớn nhất là vấn đề cán bộ, bởi đội ngũ cán bộ ở cơ sở hiện còn rất thiếu, cả về chất lượng và số lượng. Trong khi cán bộ chọn để bố trí làm lãnh đạo xã phải vừa có năng lực về công tác Đảng vừa phải có năng lực quản lý Nhà nước, đồng thời có đủ uy tín để lãnh đạo. Bí thư đồng thời là chủ tịch có quyền lực rất lớn, nếu chọn không đúng người, có thể dẫn tới tình trạng gia trưởng, chuyên quyền, bè cánh... Tình trạng đội ngũ cán bộ cấp xã còn yếu và thiếu cũng gây ra nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chủ trương này. Ông Trần Văn Hải, Bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Giai Xuân, nêu thực tế: “Mặc dù có xây dựng quy chế làm việc khá chặt chẽ, nhưng so với trước đây chưa kiêm nhiệm 2 chức danh thì công việc hiện tại của tôi bận bịu hơn rất nhiều, để thực hiện tốt nhiệm vụ đòi hỏi các cán bộ cấp dưới phải chia sẻ một phần công việc không nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay ở Giai Xuân, 5/12 đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ đang theo học các lớp chuyên môn, trong đó có đồng chí Chủ tịch HĐND, Phó Bí thư trực, Phó Chủ tịch UBND, cán bộ tôn giáo, tổ chức... vì thế có nhiều thời điểm công việc bị quá tải, xử lý chưa kịp thời”. Vì thế, theo ông Hải, bên cạnh việc xây dựng Quy chế làm việc của Đảng và chính quyền để đảm bảo đội ngũ cán bộ, nhất là các phó bí thư, phó chủ tịch và cán bộ tham mưu nâng cao được trách nhiệm, giúp cho người đứng đầu giải quyết công việc nhanh gọn, đạt hiệu quả; để nâng cao hiệu quả của mô hình, các bộ phận tham mưu, giúp việc cho cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể trong hệ thống chính trị phải được củng cố, kiện toàn, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, có khả năng tham mưu tốt.

Trình bày quan điểm về vấn đề này, nhiều cán bộ cũng cho rằng, để thực hiện tốt nhiệm vụ, trách nhiệm và khối lượng công việc của bí thư kiêm chủ tịch UBND là rất nặng nề, nên bí thư kiêm chủ tịch phải dành thời gian, tâm trí tập trung đầu tư công tác rất cao, nhưng chế độ, chính sách đãi ngộ như hiện nay vẫn chưa tương xứng, chưa tạo động lực để cán bộ cống hiến...

Rõ ràng, việc thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND xã tuy còn mới mẻ nhưng bước đầu đã chứng minh được hiệu quả, đó là: vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước cũng mạnh hơn, khắc phục cả hai xu hướng lấn sân hoặc buông lỏng trong công tác lãnh đạo của Đảng; đồng thời khắc phục được tình trạng né tránh, chồng chéo trong quản lý; cán bộ cấp xã năng động, bám sát công việc trên địa bàn hơn... Nếu khắc phục được những khó khăn, hạn chế vừa nêu, tin rằng, trong tương lai, mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, thị trấn sẽ được nhân rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các địa phương ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: HOÀNG THANH

Chia sẻ bài viết