02/07/2015 - 09:57

HƯỞNG ỨNG NGÀY VỆ SINH YÊU NƯỚC 2-7-2015

Rửa tay - việc làm nhỏ nhưng hiệu quả lớn

Rửa tay với xà phòng là một trong những biện pháp hiệu quả để phòng nhiều bệnh như: tay chân miệng, sởi, cúm A, nhiễm giun sán, các bệnh đường tiêu hóa... Thế nhưng, qua các cuộc khảo sát thực tế của ngành y tế cho thấy, việc rửa tay chưa được người dân quan tâm, tích cực thực hiện. Hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước 2-7 năm nay, chúng tôi xin chia sẻ một số thông tin về tầm quan trọng của việc rửa tay.

* Phần lớn người dân chưa có thói quen rửa tay

Rửa tay là một việc làm nhỏ, được mọi người biết đến và thực hiện trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, rửa tay với xà phòng, rửa đúng cách theo khuyến cáo của ngành y tế để phòng bệnh thì hầu như ít được quan tâm. Theo điều tra của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), tỷ lệ rửa tay bằng xà phòng trong cộng đồng nước ta trước đây chỉ đạt từ 10% - 15%; đến nay, tỷ lệ này tăng lên 30% nhưng vẫn thấp so với thế giới. Kết quả điều tra cho thấy, đại bộ phận người dân chưa ý thức thực hiện rửa tay. Các cuộc điều tra, khảo sát của ngành y tế ghi nhận, khi rửa tay, nhiều người chỉ sử dụng một lượng nhỏ xà phòng, xát qua lòng bàn tay và rửa nhanh lại với nước. Nhiều người chưa quan tâm, chưa biết thực hiện 6 bước rửa tay theo khuyến cáo của y tế. Vì vậy, họ không rửa sạch mu bàn tay, các kẽ tay và kẽ móng tay, là nơi tập trung chủ yếu các yếu tố gây bệnh (vi khuẩn, vi-rút, trứng giun sán...).

 Học sinh Trường Tiểu học Trà Nóc 4 thực hành rửa tay.
Ảnh: HƯƠNG GIANG

Hiện nay, tất cả học sinh được nhà trường dạy rửa tay bằng xà phòng với 6 bước. Hành động rửa tay được duy trì, giám sát trong nhà trường nhưng điều đáng lo ngại là tại gia đình, ai sẽ giám sát, nhắc nhở các cháu trong khi chỉ có 30% dân số thực hành việc này? Qua các kênh thông tin đại chúng và tuyên truyền của ngành y tế, phần lớn người dân đã biết các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (tay chân miệng, sởi, cúm A...) đều có thể phòng bằng cách vệ sinh cá nhân, trong đó có rửa tay; vệ sinh ăn uống;... nhưng vẫn chưa được quan tâm thực hiện đúng. Do đó, hiện nay, tỷ lệ người dân mắc các bệnh tật liên quan đến vấn đề vệ sinh còn rất cao. Theo số liệu của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), có 80% bệnh tật liên quan việc người dân thiếu nước sạch, thiếu ý thức vệ sinh cá nhân cũng như không có thói quen rửa tay bằng xà phòng.

* Xây dựng thói quen rửa tay để bảo vệ sức khỏe

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, rửa tay với xà phòng giúp giảm 47% khả năng nhiễm bệnh tiêu chảy, 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp. Ngoài ra, việc làm đơn giản này cũng có thể giúp ngăn chặn được các bệnh nguy hiểm đang lây lan trong cộng đồng như: tiêu chảy cấp, cúm gia cầm, tay chân miệng, sởi...

Bộ Y tế khuyến cáo, rửa tay bằng xà phòng chưa đủ mà phải rửa tay đúng cách theo 6 bước thì mới đạt hiệu quả cao, diệt sạch vi khuẩn. Có thể nói, rửa tay bằng xà phòng đúng cách như biện pháp đơn giản, ít tốn kém mà giúp miễn nhiễm với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, mỗi người dân hãy tạo cho mình và giúp trẻ có thói quen rửa tay bằng xà phòng đúng cách.

Vì sao y tế khuyến cáo rửa tay để phòng bệnh? Bởi, bàn tay là vật trung gian truyền bệnh, với các hoạt động cầm nắm, tiếp xúc bề mặt vật dụng, thực phẩm rồi "mang" vô số vi khuẩn, vi-rút, sau đó, đưa thức ăn vào miệng, mắt, mũi, vô tình đưa mầm bệnh vào mình. Hãy rửa tay sau khi: đi làm về; chạm vào vật nuôi, rác; lau dọn nhà cửa; thay tã cho trẻ; quẹt nước mũi, cho tay vào miệng hay bất cứ dịch cơ thể nào; trước và sau khi ăn hoặc nấu ăn; cho trẻ ăn hoặc uống thuốc.

Sáu bước rửa tay bằng xà phòng được Bộ Y tế khuyến cáo:

Bước 1: Làm ướt bàn tay, lấy 3 - 5ml dung dịch rửa tay hoặc chà bánh xà phòng lên lòng và mu hai bàn tay. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho xà phòng dàn đều.

Bước 2: Đặt lòng và các ngón của bàn tay này lên mu bàn tay kia, chà sạch mu bàn tay và kẽ các ngón tay (từng bên).

Bước 3: Đặt lòng hai bàn tay vào nhau, chà sạch lòng bàn tay và kẽ ngón tay.

Bước 4: Móc hai bàn tay vào nhau và chà sạch mặt mu các ngón tay.

Bước 5: Dùng lòng bàn tay này xoay và chà sạch ngón tay cái bàn tay kia và ngược lại.

Bước 6: Chụm đầu các ngón tay của bàn tay này và chà sạch đầu các ngón tay vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước, sau đó dùng khăn sạch thấm khô tay.

Thời gian vệ sinh tay tối thiểu cho cả quy trình là 30 giây.

BS.CKII Nguyễn Minh Thắng
(Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết