30/12/2011 - 15:59

Rối loạn lipiq máu - phòng bệnh hơn chữa bệnh

Rối loạn lipid máu được xem là một trong những căn bệnh phổ biến hiện nay. Nếu như trước đây, số người mắc bệnh chủ yếu xảy ra ở lứa tuổi từ 60 trở lên thì ngày nay, số người trẻ tuổi mắc bệnh lại chiếm tỷ lệ khá cao. Ở người trẻ tuổi, biểu hiện bệnh thường không rõ ràng như người lớn tuổi. Nhiều người chỉ vô tình phát hiện bệnh khi có vấn đề về sức khoẻ. Nếu bệnh kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng tim mạch và thúc đẩy các rối loạn chuyển hóa khác...

Trong những thập niên gần đây, cuộc sống con người được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, chế độ dinh dưỡng cao đã làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý chuyển hóa và tim mạch như: đái tháo đường, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim,... Trong đó, rối loạn lipid máu đang là một hiểm họa tiềm ẩn vì đó là nguy cơ chính yếu của các bệnh lý kể trên và bệnh thường không có biểu hiện rõ rệt.

Rèn luyện thể dục, thể thao là một trong những phương pháp hữu hiệu để phòng ngừa rối loạn lipid máu. Ảnh: CTV 

Rối loạn lipid máu (dân gian thường gọi là rối loạn mỡ trong máu) là cách gọi các trường hợp tăng các thành phần mỡ trong máu có hại với cơ thể con người. Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu có thể do yếu tố di truyền (gọi là nguyên phát) hay phát sinh sau một số bệnh lý như đái tháo đường, suy giáp, chế độ ăn giàu mỡ, đường bột và quá nhiều trái cây ngọt hay do dùng một số loại thuốc như có chứa corticoides (được gọi là thứ phát)... Cách duy nhất để phát hiện chính xác nhất có rối loạn các thành phần mỡ trong máu hay không là xét nghiệm máu lúc đói (sau bữa ăn cuối ít nhất 8 giờ). Tất cả mọi người trưởng thành đều nên đi xét nghiệm lipid máu 1 lần/năm trong khám tổng quát. Những người đặc biệt được khuyến cáo cần thiết xét nghiệm để điều trị là phụ nữ mãn kinh, nam giới trên 50 tuổi, các bệnh nhân có bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, thiếu máu cơ tim và đái tháo đường,...

Khi đã xác định có rối loạn lipid máu, việc điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nguyên nhân bệnh; chế độ ăn uống vận động; các bệnh lý đi kèm;... Do đó, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc, nhất thiết phải có sự chỉ định của bác sĩ vì trong một số trường hợp, việc dùng thuốc có thể gây tác dụng không mong muốn cho người bệnh. Tuy nhiên, tất cả bệnh nhân có rối loạn lipid máu đều nên tập thể dục vận động tích cực ít nhất 30 phút/ngày cùng áp dụng chế độ ăn tăng các chất rau cải, giảm các loại mỡ động vật, đồ lòng, lòng đỏ trứng, không ăn quá nhiều trái cây ngọt và không nên ăn khuya.

Việc phòng ngừa rối loạn lipid máu cực kỳ đơn giản và cũng giúp tăng cường sức khỏe, hạn chế nguy cơ các bệnh lý tim mạch, gia tăng sự dẻo dai cơ thể. Không bao giờ là muộn để bạn thực hiện lối sống tích cực, thường xuyên vận động, ăn uống hợp lý giàu chất xơ, rau củ, giảm mỡ, không ăn quá khuya. Điều đáng lưu ý là cho đến thời điểm này khoa học đã chứng minh rằng việc áp dụng chế độ ăn và tăng cường vận động là liệu pháp hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất trong phòng ngừa và điều trị rối loạn lipid máu và ai cũng áp dụng được.

Bác sĩ NGUYỄN THỊ THANH HẬU
(Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết