 |
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thăm một công dân bị quân đội Israel bắn trọng thương ngày 31-5. Ảnh: PressTV |
Ngày 3-6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul tuyên bố quan hệ ngoại giao giữa Ankara và Tel Aviv đã bị phương hại đến mức “không thể hàn gắn được” sau khi Israel tấn công đội tàu cứu trợ tới Gaza hôm 31-5 vừa rồi. Vụ đột kích đẫm máu này đã làm 16 người thiệt mạng, trong đó có 8 công dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildiz ngày 3-6 tuyên bố hoãn triển khai tất cả các dự án năng lượng và nguồn nước giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Ông Yildiz nêu rõ đây là thời điểm mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phải tập trung trách nhiệm nhân đạo sau những gì Israel đã làm nên không thể bàn chuyện kinh tế và thương mại với Tel Aviv cho tới khi nào mối quan hệ giữa hai nước bình thường trở lại. Theo ông Yildiz, hai trong những dự án năng lượng và nguồn nước sẽ bị đóng băng là dự án mở rộng đường ống dẫn khí đốt Blue Stream 2 và dự án vận chuyển nước Manavgat từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Israel.
Có thể nói, quyết định trên của Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ là hành động cụ thể đầu tiên sau khi quốc hội nước này thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ phải xem xét lại tất cả các mối quan hệ hiện hữu với Israel. Sau Bộ Năng lượng, trước sức ép của dư luận, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tuyên bố sẽ xem lại các dự án hợp tác với Tel Aviv. Dù Ankara khó từ bỏ kế hoạch nhận thêm 4 chiếc máy bay không người lái trong hợp đồng mua tổng cộng 10 chiếc trị giá 190 triệu USD, nhưng các dự án hợp tác nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu F-4 và F-16, thiết bị sản xuất xe bọc thép chống mìn MRAP, cung cấp hệ thống điện tử cho máy bay huấn luyện quân sự T-38 và thỏa thuận hiện đại hóa hàng trăm xe tăng M60 với tổng trị giá lên đến hàng tỉ USD giữa bộ quốc phòng hai nước có thể bị đình chỉ. Trước đó, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy bỏ các cuộc tập trận chung thường xuyên với quân đội Israel.
Cùng với việc triệu hồi đại sứ của mình tại Tel Aviv về nước sau khi xảy ra sự kiện đẫm máu ngày 31-5, Ankara đã cho thấy mối quan hệ ngoại giao Israel Thổ Nhĩ Kỳ đang ở mức độ tồi tệ nhất trong vòng 20 năm qua. Lâu nay, trong quan hệ tay ba với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel vẫn được coi là đồng minh của nhau. Mối quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ có thời gian dài phát triển tốt đẹp và nâng lên thành đối tác chiến lược năm 1996. Từ nền tảng này, quan hệ kinh tế giữa hai nước được mở rộng khi thỏa thuận tự do thương mại (FTA) ra đời tháng 5-1997, giúp kim ngạch thương mại song phương tăng từ 400 triệu USD năm 1996 lên 3,38 tỉ USD năm 2008. Lĩnh vực hợp tác quốc phòng là lĩnh vực mang lại lợi ích lớn cho các nhà thầu quân sự Israel, đồng thời giúp tăng cường sức mạnh cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO. Chính vì những mối quan hệ đó, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan từng nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ là người bạn, đồng minh tốt nhất của Israel tại Trung Đông. Ankara cũng từng tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Israel và Syrie.
Thế nhưng, như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul nói, mối quan hệ hữu hảo ấy nay không còn nữa và “khó trở lại như trước”.
PHÚC NGUYÊN
(Theo Globes, AP và Le Monde)