Năm 2025 đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Công đoàn (CĐ) theo tinh thần Nghị quyết số 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy CĐ đã và đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trên toàn hệ thống. Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày thành lập CĐ Việt Nam (28/7/1929-28/7/2025), phóng viên Báo và Phát thanh truyền hình Cần Thơ phỏng vấn bà Lê Thị Sương Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LÐLÐ Việt Nam, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ, Chủ tịch LÐLÐ TP Cần Thơ, về định hướng hoạt động CĐ và phong trào công nhân viên chức, lao động sau khi thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy CĐ tinh gọn và sau hợp nhất 3 tỉnh, thành thành TP Cần Thơ.
.webp)
► Thưa bà, sau khi sáp nhập tỉnh, thành và thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy CÐ tinh gọn, hệ thống CÐ TP Cần Thơ có những thay đổi gì?
- Sau khi thực hiện sáp nhập, sắp xếp tổ chức CÐ, LÐLÐ tỉnh Hậu Giang và LÐLÐ tỉnh Sóc Trăng được sáp nhập vào LÐLÐ TP Cần Thơ, hình thành LÐLÐ TP Cần Thơ mới, thống nhất quản lý toàn bộ CÐ trong phạm vi địa lý mới. Các đơn vị cấp huyện và tương đương thuộc Hậu Giang và Sóc Trăng (cũ) sẽ được điều chỉnh địa giới hành chính và chuyển về trực thuộc LÐLÐ TP Cần Thơ, tái lập thành các đơn vị CÐ cấp xã, phường mới dưới quyền điều hành thống nhất của CÐ thành phố. Các ban nghiệp vụ trong LÐLÐ thành phố được hợp nhất, tùy theo chức năng nhiệm vụ mới.
Hiện nay, CÐ TP Cần Thơ đang quản lý 138.855 đoàn viên (ÐV)/162.137 người lao động (NLÐ), với tổng số 892 CÐ cơ sở. CÐ TP Cần Thơ có địa bàn quản lý rộng lớn hơn, đòi hỏi tổ chức CÐ phải thích ứng linh hoạt, thay đổi chiến lược hoạt động; đổi mới cả về nội dung lẫn phương thức hoạt động để thích nghi với thực tiễn địa bàn mới, đa dạng hóa hình thức chăm lo ÐV, NLÐ.
►Thưa bà, để đảm bảo hoạt động CÐ thông suốt trên tinh thần hiệu lực, hiệu quả, LÐLÐ thành phố đã triển khai những nhiệm vụ, giải pháp gì, có những khâu đột phá nào?
- Ban Thường vụ LÐLÐ thành phố tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy CÐ các cấp; tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ CÐ theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đảm bảo mỗi vị trí đều rõ chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với tình hình thực tế tại các địa bàn mới sáp nhập. Việc bố trí, điều động, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện công khai, minh bạch, dựa trên năng lực và uy tín. Ðể đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn, CÐ thành phố chỉ đạo các CÐ cơ sở duy trì ổn định hoạt động, phát triển ÐV, hướng dẫn công tác đoàn phí, tài chính cho các đơn vị mới chuyển về. Ðặc biệt, chú trọng công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, ÐV, NLÐ trước những thay đổi về tổ chức.
Ban Thường vụ LÐLÐ thành phố xác định 3 khâu đột phá: đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ CÐ chuyên nghiệp, bản lĩnh, tận tâm; đột phá trong chuyển đổi số và hiện đại hóa công tác CÐ; đột phá trong mô hình CÐ cơ sở tự chủ, linh hoạt và sáng tạo. Trên cơ sở này, CÐ thành phố quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ CÐ có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, uy tín, trách nhiệm. Ðội ngũ cán bộ được rèn luyện theo hướng đa năng, chủ động, gần gũi với ÐV, NLÐ. Hoạt động CÐ được đổi mới gắn với mục tiêu chuyển đổi số toàn diện thông qua việc ứng dụng hệ thống dữ liệu quản lý ÐV, triển khai các nền tảng họp trực tuyến; xây dựng các kênh truyền thông, mạng xã hội để truyền thông rộng rãi, lan tỏa đến ÐV, NLÐ và cộng đồng xã hội. Ban Thường vụ LÐLÐ thành phố khuyến khích các CÐ cơ sở xây dựng mô hình hoạt động theo hướng sát thực tế, phát huy vai trò đại diện, chăm lo thiết thực hơn cho ÐV, NLÐ, nhất là tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Trong bối cảnh địa giới hành chính thay đổi, khối lượng công việc nhiều hơn, địa bàn rộng hơn, LÐLÐ TP Cần Thơ xác định tinh thần “Ðoàn kết - chủ động - sáng tạo - hiệu quả” là then chốt để đảm bảo hệ thống CÐ thực sự là chỗ dựa vững chắc cho ÐV, NLÐ trong tình hình mới.
►Trước thời cơ và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm thế nào để CÐ TP Cần Thơ khẳng định được vai trò định hướng, dẫn dắt triển khai các phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, lao động, thưa bà?
- Ban Thường vụ LÐLÐ thành phố đã và đang tập trung đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua theo hướng thiết thực, linh hoạt, gắn sát với nhiệm vụ chính trị và yêu cầu chuyển đổi số của từng đơn vị; ứng dụng công nghệ để triển khai phong trào thi đua hiệu quả; xây dựng đội ngũ công nhân trí thức - nền tảng cho phong trào thi đua bền vững; gắn thi đua với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
CÐ không chỉ là nơi phát động phong trào mà còn là lực lượng định hướng, tổ chức, cổ vũ và bảo vệ ÐV, NLÐ trong quá trình thi đua. CÐ TP Cần Thơ xác định phải tiên phong trong đổi mới, sáng tạo và thích ứng, từ nội dung phong trào đến phương thức tổ chức và công tác khen thưởng. Qua đó, phát huy sức mạnh to lớn của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động thành phố trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới.
►Tổ chức CÐ sẽ làm gì để hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ÐV, NLÐ ngày càng thiết thực, hiệu quả, thưa bà?
- LÐLÐ TP Cần Thơ tập trung chuyển mạnh từ hỗ trợ thụ động sang chăm lo chủ động, đồng hành; chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống NLÐ, nhất là ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp ngoài nhà nước, lao động khu vực phi chính thức; tổ chức các hoạt động gặp gỡ, đối thoại định kỳ giữa NLÐ - CÐ - người sử dụng lao động để giải quyết sớm các vướng mắc, không để phát sinh tranh chấp.
Ðồng thời, CÐ thành phố cũng đa dạng hóa hình thức chăm lo, hướng về cơ sở thông qua việc duy trì và nâng cao chất lượng các chương trình lớn, như: “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, hỗ trợ ÐV, NLÐ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động… Tăng cường hoạt động bảo vệ pháp lý, tư vấn hỗ trợ ÐV, NLÐ; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác chăm lo ÐV, NLÐ bằng việc triển khai hệ thống tiếp nhận phản ánh trực tuyến, đảm bảo ÐV, NLÐ có thể dễ dàng tiếp cận CÐ khi gặp khó khăn, vướng mắc. CÐ thành phố cũng tập trung đào tạo kỹ năng, nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp cho người ÐV, NLÐ, giúp họ thích nghi với thị trường lao động hiện đại, chủ động vươn lên; thúc đẩy các chương trình liên kết đào tạo, cấp chứng chỉ, hỗ trợ học phí để ÐV, NLÐ học nghề, học nâng cao.
Ban Thường vụ LÐLÐ thành phố xác định việc chăm lo, bảo vệ ÐV, NLÐ không chỉ là “giải pháp an sinh” mà còn là “đòn bẩy phát triển”, giúp ÐV, NLÐ yên tâm làm việc, gắn bó với tổ chức CÐ và đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
► Xin cảm ơn bà!
Hồng Vân (thực hiện)