Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, tính đến ngày 1-7-2022, toàn thành phố ghi nhận 1.644 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH), không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc SXH tăng 1.028 ca. Ngành Y tế thành phố đã tăng cường tập huấn công tác phòng, chống dịch SXH và khuyến cáo các địa phương chủ động ngăn dịch lây lan.
Ca mắc tăng 266% so với cùng kỳ

Phun hóa chất diệt muỗi bằng máy đeo vai tại nhà dân ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ. Ảnh: CTV
Theo CDC Cần Thơ, số ca mắc SXH ở tất cả 9 quận, huyện đều tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể: Ninh Kiều 360 ca (tăng 207 ca), Thốt Nốt 334 ca (tăng 206 ca), Cờ Đỏ 205 ca (tăng 172 ca), Vĩnh Thạnh 195 ca (tăng 138 ca), Ô Môn 158 ca (tăng 55 ca), Cái Răng 117 ca (tăng 64 ca), Bình Thủy 100 ca (tăng 41 ca) Thới Lai 93 ca (tăng 80 ca) và Phong Điền 82 ca (tăng 65 ca). Trong đó, các xã, phường, thị trấn có số ca SXH tăng cao là: Hưng Lợi 96 ca, Tân Lộc 84 ca, Trung Thạnh 82 ca, An Khánh 82 ca, Thới Thuận 62 ca, Vĩnh Trinh 63 ca…
Để ngăn chặn, khống chế và kiểm soát bệnh SXH, ngành Y tế Cần Thơ đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch đồng bộ từ tuyến thành phố đến cơ sở. Trong đó, CDC Cần Thơ đóng vai trò chủ lực, triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn. CDC Cần Thơ đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát hỗ trợ tuyến cơ sở về điều tra, đánh giá chỉ số véc-tơ SXH, giám sát hoạt động diệt lăng quăng và phun hóa chất xử lý các ổ dịch, cấp phát tờ rơi phòng, chống SXH cho các quận, huyện, tăng cường công tác tuyên truyền tại cộng đồng qua hệ thống loa truyền thanh, phát loa lưu động...
BS Lê Phúc Hiển, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Cần Thơ lưu ý, khi có ca bệnh SXH trên địa bàn, Trung tâm Y tế quận, huyện phải phân công cán bộ giám sát, kiểm tra các ca bệnh. Khi có ổ dịch, cần phân công cán bộ giám sát, kiểm tra chỉ số côn trùng, BI (dụng cụ chứa nước có lăng quăng) và kỹ thuật pha, phun hóa chất diệt muỗi. Trong công tác xử lý ổ dịch, phải loại bỏ lăng quăng triệt để, tuân thủ đúng thời gian và phun hóa chất đúng bán kính.
Ngăn chặn dịch bùng phát
CDC Cần Thơ đã tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ y tế phụ trách chương trình SXH tại tuyến quận, huyện, xã, phường, thị trấn nhằm cập nhật, hướng dẫn giám sát dịch tễ, quy trình xử lý ổ dịch, hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo dịch bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54 và Thông tư 17 của Bộ Y tế, hướng dẫn điều tra côn trùng và phun hóa chất diệt côn trùng trong phòng, chống SXH. CDC Cần Thơ cũng phối hợp Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tập huấn chẩn đoán, thu dung và điều trị SXH cho đội ngũ thầy thuốc điều trị SXH các tuyến nhằm giúp nâng cao năng lực chẩn đoán sớm bệnh SXH, tổ chức tốt thu dung, điều trị cho bệnh nhân.
Đoàn lãnh đạo Sở Y tế và CDC Cần Thơ cũng tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh SXH trên địa bàn các quận, huyện, nhất là tại các “điểm nóng”. Đoàn trực tiếp đến tận các ổ dịch, các điểm nóng… Từ đó, khuyến nghị chính quyền, y tế địa phương các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan. CDC Cần Thơ đã hỗ trợ địa phương phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại 2 khu vực Đông Bình và Tân An (phường Tân Lộc); xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ)… Dự kiến trong tuần đầu tháng 7-2022, qua kiểm tra chỉ số BI đạt yêu cầu, sẽ phun diện rộng ở Hưng Lợi, An Khánh (Ninh Kiều); Vĩnh Trinh (Vĩnh Thạnh); Thới Thuận (Thốt Nốt); Trung Thạnh (Cờ Đỏ). Thời gian tới, CDC Cần Thơ tiếp tục giám sát hỗ trợ các quận, huyện, đặc biệt là các “điểm nóng”, phun hóa chất diện rộng nhằm ngăn chặn dịch SXH lan rộng.
Hiện nay, thời tiết thay đổi bất thường, nắng nóng xen lẫn các đợt mưa bất chợt, tạo cơ hội cho muỗi truyền bệnh và lăng quăng phát triển nhanh, tăng nguy cơ lây lan bệnh SXH. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và ngành Y tế, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, tích cực tham gia vào công tác phòng, chống SXH bằng cách chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi thường xuyên, vệ sinh nơi ở, đậy kín các dụng cụ chứa nước không cần thiết, thu gom các vật phế thải có thể chứa nước xung quang nhà như vỏ xe, hộp, lon, hũ… không tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển; ngủ mùng kể cả ban ngày, tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống SXH…
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị SXH như: sốt cao đột ngột trên 390C, kéo dài liên tục trong từ 2 đến 7 ngày, kèm đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, khó hạ sốt (cho uống các loại thuốc hạ nhiệt có thể làm giảm sốt trong vài giờ sau đó sốt cao trở lại), xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng..., người dân cần đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị kịp thời.
H.HOA