25/02/2015 - 20:06

Quy định về cho con nuôi có yếu tố nước ngoài

Hỏi: Năm 1999, tôi và chồng chung sống với nhau có một con chung sinh năm 2000 nhưng không có đăng ký kết hôn. Sau đó, chồng tôi bỏ đi. Đến năm 2006, tôi và chồng đã chính thức không được công nhận là vợ chồng theo bản án của TAND quận Ninh Kiều. Tôi giành quyền nuôi con và không yêu cầu cấp dưỡng. Nay tôi muốn cho con tôi làm con nuôi cho một người đàn ông quốc tịch Pháp, là chồng hiện tại của tôi (có đăng ký kết hôn). Xin hỏi: việc cho con nuôi cho người nước ngoài pháp luật quy định như thế?

T.T.Đ. (phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều)

Thắc mắc của bạn được Luật sư Lê Thị Kim Sang, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, trả lời như sau:

Căn cứ vào những thủ tục và điều luật quy định tại Luật Nuôi con nuôi hiện hành thì người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi nước ngoài (có sự đồng ý của cha, mẹ đẻ) phải tuân thủ những quy định sau: chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước (khoản 3 Điều 4); người được nhận làm con nuôi là trẻ em dưới 16 tuổi (khoản 1 Điều 8).

Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế quy định tại điểm a, điểm c khoản 1, Điều 5 Luật Nuôi con nuôi là: cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi; người nước ngoài thường trú ở Việt Nam.

Về thủ tục cũng như những quy định có liên quan đến việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài thì bạn có thể tham khảo tại các Điều 28, 30, 31, 32, 33, 34, 37, 38, 39 và 41 Luật Nuôi con nuôi.

Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Như vậy, căn cứ những quy định trên, bạn liên hệ cơ quan có thẩm quyền để thực hiện thủ tục cho con nuôi có yếu tố nước ngoài.

PHƯƠNG DUNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết