27/11/2009 - 08:37

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII:

Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật An toàn thực phẩm, Luật Người khuyết tật và Dự án Luật thi hành án hình sự

Sáng 26-11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu làm việc tại Hội trường, cho ý kiến vào Dự án Luật Thi hành án hình sự.

Các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thi hành án hình sự để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong việc thực hiện các bản án, quyết định Tòa án và nguyên tắc xây dựng Luật phải thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng cũng thể hiện tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người phải chấp hành án.

Hơn 20 ý kiến tại Hội trường của đại biểu tập trung vào một số vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau như về phạm vi điều chỉnh của Luật; việc có nên quy định cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, công an xã phường, thị trấn; nhà tạm giữ, tạm giam, có trách nhiệm thi hành án hình sự; hình thức thực hiện án tử hình...

Các đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Trương Văn Khoa (Thanh Hóa), Hoàng Văn Minh (Nghệ An) cùng cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật chỉ quy định về tổ chức hoạt động của cơ quan thi hành án hình sự, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành các hình phạt, không bao gồm việc thi hành các biện pháp tư pháp. Đại biểu Hoàng Văn Minh cho rằng, không nên đưa biện pháp tư pháp vào phạm vi điều chỉnh của Luật vì thi hành án hình sự cơ bản là thi hành hình phạt hình sự, liên quan đến đối tượng tội phạm; chế độ pháp lý thi hành hình phạt và biện pháp tư pháp là hoàn toàn khác nhau; trong thực tế, các biện pháp tư pháp do quyết định của Tòa án không nhiều trong tổng số các biện pháp tư pháp khác do cơ quan hành pháp ra quyết định. Việc không quy định biện pháp tư pháp vào phạm vi điều chỉnh của Luật còn nhằm đảm bảo tính thống nhất của các luật pháp liên quan. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cùng cho rằng, không thể lấy lý do hoạt động thực hiện các biện pháp tư pháp chưa có Luật nào điều chỉnh mà đưa vào trong Luật Thi hành án hình sự, vì vẫn có thể điều chỉnh bằng văn bản dưới luật và thực hiện như thực tiễn hiện nay.

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội khác lại nhất trí với Dự thảo Luật do Chính phủ trình về phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm cả các biện pháp tư pháp. Theo đại biểu Trần Văn Độ (An Giang), hoạt động thi hành án bản chất là hoạt động hành chính tư pháp nhưng có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước. Thi hành án hình sự là hoạt động thi hành các quyết định, bản án của Tòa án trong lĩnh vực hình sự, không đơn thuần chỉ là các hình phạt hình sự. Vì thế Luật cần điều chỉnh cả biện pháp tư pháp hình sự. Cùng chung ý kiến này, đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng) cho rằng cần đưa đối tượng áp dụng các biện pháp tư pháp liên quan đến con người vào Luật, để đảm bảo mục đích cải tạo, giáo dục người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng, góp phần ngăn ngừa, phòng chống tội phạm. Việc quy định phạm vi điều chỉnh theo tờ trình của Chính phủ là cần thiết, đầy đủ và không mâu thuẫn với các quy định pháp luật liên quan. Đại biểu Phạm Văn Minh (Bắc Giang), Võ Văn Đủ (Đắk Nông) và một số đại biểu khác cũng có cùng quan điểm nói trên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tổng hợp các ý kiến của các đại biểu nhấn mạnh: Dự án Luật Thi hành án hình sự là một Dự luật quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và quyền, nghĩa vụ của công dân. Ban thư ký, cơ quan soạn thảo cần ghi nhận đầy đủ, nghiên cứu và báo cáo cho Quốc hội về những vấn đề còn chưa thống nhất của các đại biểu về phạm vi điều chỉnh; cơ quan thực hiện nhiệm vụ thi hành án hình sự; hình thức thi hành án tử hình...

Dự án Luật Thi hành án hình sự trình xin ý kiến các đại biểu Quốc hội lần này gồm 15 Chương, 216 Điều.

* Chiều 26-11, Quốc hội làm việc tại hội trường góp ý kiến vào hai dự thảo luật: Luật An toàn thực phẩm và Luật Người khuyết tật.

Các đại biểu Hoàng Thị Xuân (Bắc Giang), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Dương Kim Anh (Trà Vinh) và đa số đại biểu phát biểu cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về sự cần thiết phải ban hành Luật An toàn thực phẩm nhằm không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, nhất là trong bối cảnh tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang là nguy cơ đe dọa đến toàn xã hội, với những vi phạm ngày càng nghiêm trọng, thậm chí không thể chấp nhận được cả về mặt đạo lý.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng cấu trúc của Dự thảo Luật chưa thật hợp lý nên không làm rõ được những việc cần phải làm trong từng lĩnh vực cụ thể được đề cập đến trong Dự thảo Luật như khai thác thực phẩm trong tự nhiên, nhập khẩu thực phẩm, xử lý vi phạm; quyền, trách nhiệm của cá nhân, tập thể, cơ quan quản lý có liên quan...Vì vậy, Luật cần quy định cụ thể trong từng lĩnh vực nhằm làm rõ các nội dung được điều chỉnh mới đạt được hiệu quả như mong muốn. Các đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh), Nguyễn Thị Hoa, Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đều cho rằng Dự thảo Luật chưa đảm bảo được mục tiêu đề ra, nhiều quy định không rõ, không phù hợp với thực tế vì vậy cần xem xét lại tính khả thi khi Luật được ban hành...

Về công tác quản lý nhà nước, đa số đại biểu đề nghị nên giao cho Bộ Y tế chủ trì, chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đồng thời phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Đa số đại biểu đồng ý với tên gọi là Luật Người khuyết tật vì cho rằng khái niệm “người khuyết tật” không chỉ mang tính nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam mà còn phù hợp với khái niệm của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật mà Việt Nam đã ký kết. Ngoài ra, với tên gọi này, Luật sẽ có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Pháp lệnh về người tàn tật.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) và nhiều đại biểu khác đồng tình với quy định về phân dạng và phân hạng khuyết tật và cho rằng việc phân dạng, phân hạng khuyết tật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổng hợp, thống kê số liệu, làm cơ sở để xây dựng chính sách và các chế độ trợ giúp cho phù hợp. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng không nên giao Chính phủ quy định cụ thể việc phân hạng, bởi như vậy các chế độ cho người khuyết tật quy định trong Luật sẽ không chính xác, thực hiện các chế độ phải chờ ban hành Nghị định sẽ gây thiệt thòi cho người khuyết tật. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà đề nghị bổ sung quy định về chức năng của Hội đồng giám định y khoa nhằm nâng cao năng lực giám định dạng khuyết tật, tránh để người khuyết tật đi lại nhiều. Ngoài ra cần quy định rõ ràng trẻ em, phụ nữ, người già bị khuyết tật được hưởng ưu đãi như thế nào và nên nâng lên một hạng so với đối tượng khuyết tật khác. Đại biểu Lê Thị Nguyệt đề nghị không nên phân nhiều hạng khuyết tật mà chỉ nên quy định 3 mức, đó là nhẹ, vừa và nặng. Trong Luật cũng chỉ nên quy định cụ thể về chế độ cho người khuyết tật ở thể nặng.

Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung điều khoản riêng quy định Chính phủ ưu tiên trẻ em khuyết tật, nhất là trẻ em gái; chính sách xóa mù chữ cho người khuyết tật và cấm lợi dụng người khuyết tật đi ăn xin để trục lợi...

XUÂN KHU-BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết