18/10/2020 - 18:34

Quang điện sắp “lên ngôi”? 

Báo cáo mang tên Triển vọng Năng lượng Thế giới năm 2020 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây dự báo, năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng Mặt trời (NLMT), sẽ trở thành nguồn năng lượng chủ đạo của thế giới vào năm 2030.

Một trang trại NLMT ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: CNN

Một trang trại NLMT ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: CNN

Theo đó, NLMT cùng với năng lượng gió có thể chiếm 80% thị trường năng lượng trong thập kỷ tới, giúp loại bỏ than khỏi mạng lưới năng lượng một cách hiệu quả. Tỷ lệ ấn tượng này một phần là nhờ vào các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, Liên minh châu Âu đặt mục tiêu đến năm 2030 năng lượng tái tạo sẽ chiếm 32% nhu cầu năng lượng của khối. 

IEA cho hay, ở hầu hết các nước trên thế giới hiện nay, xây dựng các trang trại NLMT luôn rẻ hơn so với xây dựng các nhà máy điện vận hành bằng than mới, bởi công nghệ ngày càng hoàn thiện giúp giảm chi phí đầu tư. Ðặc biệt, hệ thống quang điện có thể được lắp đặt mọi nơi, tại nhà, doanh nghiệp hay công viên. IEA nhận định, trong khi nhiên liệu hóa thạch phải đối mặt với tương lai bấp bênh, triển vọng về các nguồn sản xuất năng lượng tái tạo lại rất mạnh mẽ, từ đó giúp giá quang điện giảm mạnh, chỉ từ 35 - 55 USD/MWh ở một số thị trường lớn nhất thế giới như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Ấn Ðộ, so với mức giá bình quân toàn cầu 100 USD/MWh cách đây 4 năm. Trong khi đó, giá điện than hiện dao động trong khoảng 55 - 150 USD/MWh.

“Tôi thấy NLMT đang trở thành vị vua mới của thị trường năng lượng thế giới. Dựa trên những gì được thiết lập hôm nay, nhiều kỷ lục mới sẽ được ghi nhận hàng năm sau năm 2022” - Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, cho biết.

Trong một kịch bản của IEA, nếu đại dịch COVID-19 được kiểm soát và nhu cầu năng lượng toàn cầu trở lại mức trước khủng hoảng vào đầu năm 2023, số lượng hệ thống quang điện tăng mạnh, công suất NLMT tăng trung bình 12%/năm đến năm 2030. Năng lượng tái tạo khi đó đáp ứng khoảng 80% nhu cầu năng lượng toàn cầu, “vượt mặt” cả điện than. Theo IEA, NLMT vẫn là sự lựa chọn hiệu quả về chi phí ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, gây thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế.

Còn trong kịch bản “phát triển bền vững” của IEA, NLMT thậm chí giữ vai trò mạnh mẽ hơn, một phần là nhờ sự gia tăng các chính sách năng lượng sạch và đầu tư nhằm hướng tới đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Theo đó, tỷ lệ kết hợp giữa NLMT và năng lượng gió trong sản xuất điện toàn cầu tăng từ 8% năm 2019 lên gần 30% vào năm 2030. “Nếu các chính phủ và nhà đầu tư đẩy mạnh nỗ lực phát triển năng lượng sạch, sự tăng trưởng của NLMT và năng lượng gió sẽ còn ngoạn mục hơn và rất đáng khích lệ để vượt qua thách thức khí hậu của thế giới” - ông Birol giả định.

Sự gia tăng của NLMT tỷ lệ thuận với sự suy giảm của năng lượng than, vốn là trụ cột chính của hệ thống năng lượng toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua. Theo báo cáo của IEA, hoạt động kinh tế giảm kéo theo nhu cầu sử dụng điện giảm do hậu quả của COVID-19 đã dẫn tới sự sụt giảm nhu cầu năng lượng than toàn cầu. IEA dự báo, ngay cả khi kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch vào năm tới, tỷ lệ than trong sản xuất điện toàn cầu sẽ giảm từ 37% xuống còn 28% vào năm 2030. Thậm chí, giá NLMT giảm sẽ khiến năng lượng than sụp đổ. IEA dự báo, giá NLMT có thể ở mức 39 USD/MWh đối với các dự án được vận hành vào năm tới, giảm 42% so với năm 2019 và chỉ bằng 20% giá điện than.

Ðể khuyến khích nhiều người và công ty chuyển sang sử dụng NLMT, giới chuyên gia cho rằng các nước cần điều chỉnh chính sách năng lượng để người dân có thể dễ dàng tiếp cận hơn. Ðến nay, hơn 130 quốc gia có chính sách giảm chi phí xây dựng các trạm NLMT mới.

TRÍ VĂN (Theo CNN, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Quang điện