11/01/2024 - 09:02

Quản lý trồng trọt thích ứng với biến đổi khí hậu 

Sản xuất trồng trọt tại vùng ĐBSCL và nhiều địa phương trong cả nước đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Để phát triển sản xuất ổn định và bền vững, nông dân cần áp dụng các giải pháp quản lý trồng trọt thích ứng với BĐKH và sản xuất theo hướng xanh bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.

IRRI đã và đang tích cực phối hợp cùng Bộ NN&PTNT và các địa phương trong việc hỗ trợ nông dân thu gom rơm từ quá trình sản xuất lúa để trồng nấm rơm và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân và giảm phát thải khí nhà kính. Trong ảnh: Mô hình trồng nấm rơm được thực hiện tại Hợp tác xã New Green Farm ở quận Thốt Nốt, Cần Thơ.​

Theo Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) của Liên Hiệp Quốc, BĐKH làm gia tăng các hiểm họa liên quan đến nước trên toàn cầu như lũ lụt, hạn hán, trong khi số người bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm nước dự kiến cũng sẽ tăng vọt. Các thảm họa liên quan lũ lụt đã tăng 134% so với hai thập kỷ trước đó kể từ năm 2000. Số các đợt hạn hán cũng như thời gian kéo dài của mỗi lần hạn hán tăng 29% tính từ năm 2000. Dự báo hơn 5 tỉ người trên toàn cầu không được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hằng tháng đến năm 2050. WMO khuyến nghị các quốc gia tăng cường đầu tư quản lý tổng hợp tài nguyên nước và các hệ thống cảnh báo sớm hạn hán và lũ lụt.

BĐKH cùng với nước biển dâng cũng đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực cho sản xuất nông nghiệp ở nước ta, nhất là sản xuất trồng trọt tại vùng ĐBSCL. Thời gian qua, nông dân trồng lúa và nhiều loại cây trồng khác cũng đã đối mặt với nhiều khó khăn và bị thiệt hại trong sản xuất do ảnh BĐKH và hạn mặn xảy ra nghiêm trọng trong các mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020 tại vùng ĐBSCL. BĐKH cùng với thời tiết cực đoan và nhiều điều kiện sản xuất bất lợi cũng làm năng suất nhiều loại cây trồng bị giảm và tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh phát triển, gây hại cho cây trồng. Đặc biệt, xâm nhập mặn cùng với sự thay đổi mô hình mưa, lũ và triều cường đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất lúa, đòi hỏi ngành chức năng và nông dân phải linh động trong quản lý nguồn nước, lựa chọn giống lúa và bố trí mùa vụ thích ứng với điều kiện sản xuất mới. Đồng thời, cần quan tâm phát triển sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn gắn với tăng trưởng xanh, bền vững và phát thải thấp để giảm thiểu BĐKH. Qua đó, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế về sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường và có trách nhiệm xã hội.

Để phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp và chương trình hành động nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với sản xuất lúa. Đặc biệt, quan tâm triển khai thực hiện tốt “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gần đây, với mong muốn chuyển đổi hiệu quả hệ thống canh tác lúa ĐBSCL theo hướng sản xuất bền vững. Đồng thời, tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế để đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai áp dụng các giải pháp nông học nhằm thích ứng và giảm thiểu BĐKH. Việt Nam cũng đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH của Liên Hiệp Quốc lần thứ 26 năm 2021 (COP26) về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0% vào năm 2050, trong đó có nội dung liên quan chặt chẽ về giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp và hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững. Thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng xanh, ít phát thải và bền vững.

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của BĐKH, đặc biệt là ĐBSCL - một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất bởi nước biển dâng. BĐKH không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan mà nó còn ảnh hưởng nặng nề đến nông nghiệp. Nó đã và đang tác động mạnh mẽ đến ngành trồng trọt, rõ ràng nhất là làm giảm diện tích canh tác, gây ra tình trạng hạn hán, tạo các điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh và tạo cản trở lớn cho sự phát triển của trồng trọt và nông nghiệp nói chung. Ở khía cạnh khác, nông nghiệp chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải về lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường, góp phần gia tăng tốc độ BĐKH. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), lúa gạo là mặt hàng nông nghiệp quan trọng của Việt Nam nhưng lại chiếm tới 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp. Có nhiều nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa như sử dụng nước, phân bón chưa tiết kiệm và hiệu quả, mật độ gieo sạ cao, thu hoạch và quản lý sử dụng rơm rạ chưa đúng cách... Để ứng phó với BĐKH, ngành Nông nghiệp đang tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt, một số biện pháp canh tác lúa giúp thích ứng và giảm thiểu BĐKH đã được triển khai như mở rộng biện pháp sử dụng công nghệ tưới khô - ướt xen kẽ và canh tác lúa cải tiến, áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, rút nước giữa vụ trong canh tác lúa, giữ nước phù hợp với từng vùng sinh thái nông nghiệp...

Theo ông Cao Đức Phát, Chủ tịch hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI), lúa là cây trồng quan trọng và nó cũng tạo ra khí thải nhà kính khá lớn trong sản xuất nông nghiệp, do vậy rất cần ưu tiên thực hiện các giải pháp để cây lúa phát triển bền vững, giảm phát thải và đem lại lợi ích cao hơn cho người nông dân để giữ họ lại với nghề trồng lúa. Hiện nay, cùng với BĐKH thì đô thị hóa và công nghiệp hóa cũng lấy đi đất đai, nguồn nước và thu hút lao động và các nguồn lực từ nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp.

Bộ NN&PTNT vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) cùng Liên minh các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế (CGIAR) và các đơn vị có liên quan tổ chức hội thảo “Các giải pháp nông học thích ứng và giảm thiểu BÐKH ở Việt Nam”. Tại hội thảo này, đại diện nhiều tổ chức quốc tế cũng đã cam kết đồng hành cùng Bộ NN&PTNT và các địa phương của nước ta trong thực hiện “Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL”. Ðồng thời, tăng cường phối hợp, hỗ trợ nông dân tại ÐBSCL và cả nước nói chung trong việc nghiên cứu, áp dụng các giải pháp, cách làm hay trong sản xuất nông nghiệp nhằm thích ứng và giảm thiểu BÐKH.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết