17/12/2020 - 09:19

Quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm ở trạm y tế 

Bệnh không lây nhiễm là các bệnh tim mạch, ung thư, tăng huyết áp (THA), đái tháo đường (ĐTĐ), tâm thần... Những bệnh này ngày càng gia tăng và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người bệnh. Từ năm 2017, ngành Y tế TP Cần Thơ thí điểm triển khai quản lý bệnh THA và ĐTĐ. Từ đó đến nay, công tác quản lý, điều trị hai căn bệnh này ở trạm y tế (TYT) đạt những tiến bộ đáng kể. 

Nâng cao năng lực y tế cơ sở

Cán bộ y tế đo huyết áp cho người dân tại Trạm y tế phường Tân Hưng.

Cán bộ y tế đo huyết áp cho người dân tại Trạm y tế phường Tân Hưng.

Chú Nguyễn Ngọc Thu, 56 tuổi, ở khu vực Tân Lợi 1, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, bị bệnh ĐTĐ và THA đã gần chục năm nay. Trước đây, chú Thu điều trị ở bệnh viện tuyến thành phố, rồi về quận và khoảng 5 năm nay, chú chuyển về điều trị tại TYT phường Tân Hưng. Hàng tháng, chú đến TYT đo huyết áp và nhận thuốc uống, thử đường huyết. Chú Thu cho biết: “Ngoài điều trị bằng thuốc, bác sĩ tư vấn rất kỹ việc tập luyện, chế độ ăn uống. Tôi tập thể dục 2 giờ/ngày và ăn nhiều rau, quả, hạn chế đường, tinh bột. Nhờ bác sĩ theo dõi sát sao, tôi tuân thủ điều trị nên đường và huyết áp đều ổn, sức khỏe cải thiện rõ rệt”. 

TYT phường Tân Hưng hiện quản lý, điều trị 398 bệnh nhân THA và 63 bệnh nhân ĐTĐ. TYT có 4 loại thuốc điều trị THA và 2 loại thuốc điều trị ĐTĐ. Theo bác sĩ Dương Phước Long, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, trước đây phần lớn các TYT không có thuốc điều trị ĐTĐ, rất ít trạm có trên 1 loại thuốc điều trị THA và cũng chỉ có Apitim điều trị THA. Năm 2017, chỉ có 8 xã có thuốc điều trị ĐTĐ. Đến nay, đã có 79/83 TYT điều trị THA và 59/83 trạm điều trị bệnh ĐTĐ. Về thuốc điều trị THA, 67 TYT có từ 2 loại thuốc điều trị (trong đó, 36 trạm có từ 3 loại thuốc). Thuốc điều trị ĐTĐ cũng có 44 TYT có từ 2 loại trở lên. Tới đây sẽ phát triển một số TYT có thuốc tiêm insulin.

Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng và Tổ chức Y tế Thế giới đã cung cấp thêm máy đo huyết áp, máy và que thử đường, tài liệu y tế xã và thôn, giúp đội ngũ y bác sĩ chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh tại TYT hiệu quả hơn.

Cần sự hỗ trợ 

Vừa qua, đoàn Bộ Y tế kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại TP Cần Thơ đã kiểm tra, giám sát thực tế tại TYT phường Tân Hưng và Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt. Tại buổi kiểm tra, CDC Cần Thơ đã đề nghị lồng ghép hai chương trình THA và ĐTĐ làm một, nhằm phát hiện, điều trị và quản lý chung, theo đánh giá nguy cơ tim mạch tổng thể.

Theo CDC Cần Thơ, hiện có một số khó khăn trong công tác quản lý, điều trị bệnh THA và ĐTĐ tại các TYT, như: không có kinh phí tổ chức sàng lọc nên chỉ tiêu phát hiện sớm người bệnh trong cộng đồng không đạt. Danh mục trúng thầu không có thuốc lợi tiểu nhóm Thiazid; thuốc THA kết hợp… Một số TYT nằm ngay trung tâm quận, không có bệnh nhân nên không tiến hành quản lý; bệnh viện huyện có xu hướng giữ bệnh để tăng doanh số. Phần mềm quản lý bệnh không lây nhiễm chưa liên thông với phần mềm khám chữa bệnh đang triển khai nên TYT phải nhập 2 lần. Các bệnh viện tuyến trên không báo danh sách bệnh nhân đang điều trị THA và ĐTĐ tại bệnh viện, nên TYT rất khó quản lý. CDC Cần Thơ và nhiều TYT đề nghị hỗ trợ sinh phẩm khám sàng lọc ĐTĐ vì nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời đề nghị hỗ trợ kinh phí cho cộng tác viên để họ hỗ trợ TYT rà soát bệnh nhân trong cộng đồng.

Về xét nghiệm, hiện nay các TYT chưa thanh toán bảo hiểm y tế với test nhanh và thử đường huyết mao mạch do danh mục kỹ thuật chưa được phê duyệt. Với các TYT có dự án thì tranh trủ nguồn dự án; với TYT không có dự án thì thu tiền bệnh nhân hoặc vận động từ thiện (các trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn). Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó trưởng TYT phường Tân Hưng, cho biết: Đầu năm 2021, TYT sẽ đưa test nhanh đường huyết vào danh mục kỹ thuật, trình cấp trên phê duyệt để thanh toán bảo hiểm y tế cho người dân.

Theo Bác sĩ Lý Ngọc Trung, Phó Giám đốc CDC Cần Thơ, thời gian tới, CDC Cần Thơ tổ chức tập huấn cho các TYT cập nhật chẩn đoán, điều trị…, đồng thời tăng cường truyền thông về bệnh THA, ĐTĐ đến người dân thông qua tờ rơi. 

Qua kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại TP Cần Thơ vừa qua, Phó Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Minh Hằng nhận định: TYT chưa quản lý hết bệnh nhân trên địa bàn. Bệnh nhân có thể điều trị tại bệnh viện tuyến trên, phòng mạch tư hoặc bị bệnh tiềm ẩn mà không biết. Vì vậy, khi người dân đến TYT thì trạm cần tư vấn, sàng lọc THA và ĐTĐ, đó gọi là sàng lọc cơ hội. Đây là bệnh mạn tính, phải theo dõi, điều trị suốt đời, y tế cơ sở gần dân nhất, người dân tiếp cận thuận lợi nhất. Sở Y tế thành phố cần làm đầu mối hướng dẫn TYT thanh toán bảo hiểm y tế đối với test nhanh và thử đường huyết mao mạch.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết